Bất chấp giá xăng dầu xuống gần 40% so với thời điểm tháng 7-2014, cước vận tải chỉ giảm giá kiểu cho có. Ảnh TL |
Ngày 23-1-2015 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra yêu cầu phải giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên đán. Trước đó hai ngày, Bộ Tài chính cũng ban hành Công văn số 931, trong đó yêu cầu các đơn vị vận tải phải tính toán lại giá thành theo xu hướng giảm giá nhiên liệu và kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp các đơn vị không kê khai giảm giá cước thì “các cơ quan chức năng sẽ xử lý vi phạm theo quy định”.
Vấn đề đặt ra là nếu doanh nghiệp vận tải không chịu kê khai giảm giá thì liệu cơ quan chức năng có thể dựa vào luật để xử lý họ hay không?
Khác với mặt hàng xăng dầu, dịch vụ vận tải đường bộ không thuộc diện chịu sự quản lý giá của Nhà nước nên Bộ Tài chính không thể ép các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải giảm giá như đối với ngành xăng dầu. Hầu hết doanh nghiệp vận tải là của tư nhân, do vậy Nhà nước cũng không thể dùng quyền của chủ sở hữu để quyết định giá. Có lẽ ngoài Luật Cạnh tranh ra thì các cơ quan nhà nước khó mà tìm được chỗ dựa pháp lý khác để quản lý giá cước vận tải, nhưng Luật Cạnh tranh đã bị chính các quy định của nó làm cho vô hiệu.
Nhìn vào cách các doanh nghiệp vận tải phản ứng với xu hướng giảm giá xăng dầu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đó là dấu hiệu của sự “thỏa thuận ấn định giá dịch vụ” của các doanh nghiệp vận tải. Hành vi này có thể vi phạm Luật Cạnh tranh và mức xử lý đối với vi phạm này rất nặng.
Theo Luật Cạnh tranh, hành vi thỏa thuận ấn định giá dịch vụ chỉ bị cấm khi các bên tham gia có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. Vấn đề là ở chỗ thị trường thì tính cho cả nước, còn hầu hết doanh nghiệp vận tải ô tô lại hoạt động theo khu vực nên dù các doanh nghiệp có thỏa thuận để thao túng giá ở một khu vực nào đó thì cũng không thể chạm vào mức 30% để có thể bị xử lý theo luật.
Luật Cạnh tranh ra đời là để chống độc quyền, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, cho người tiêu dùng và quan trọng hơn là tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của các ngành kinh doanh. Diễn biến trái ngược của giá cả thị trường dịch vụ vận tải khi giá xăng dầu tăng cao và lúc giảm sâu đã làm bộc lộ khiếm khuyết của pháp luật về quản lý cạnh tranh, ít nhất là với lĩnh vực vận tải. Một khi các cơ quan hành pháp không thể dùng luật để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thì chỉ còn mỗi cách sử dụng biện pháp hành chính. Nhưng làm như vậy thì không còn là cơ chế thị trường. Vì vậy, giải pháp tốt nhất vẫn là hoàn thiện luật và dùng luật để xử lý thay vì kêu gọi hoặc dùng biện pháp hành chính để ép các doanh nghiệp phải giảm giá cước vận tải theo thị trường như hiện nay.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn online