Khi nào "bí mật cá nhân" được pháp luật bảo vệ?

12/01/2015 08:10 AM

Về nguyên tắc chung, bí mật một ai đó muốn được tôn trọng và bảo vệ thì việc đó phải hợp pháp, chính đáng. Ví dụ như trường hợp con đánh bố mẹ, hay bố mẹ hành hạ con, thì dù có là vấn đề riêng tư, cá nhân, nhưng pháp luật không thể không can thiệp và trừng phạt, vì đó là hành vi bất hợp pháp.

TS Đinh Xuân Thảo

Đó là quan điểm được TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra khi trao đổi với Báo Giao thông về Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi được tổ chức lấy ý kiến nhân dân ngày 5/1 vừa qua. 

Khen thưởng người tích cực đóng góp ý kiến

Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ mới đây công bố về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLDS sửa đổi. So với BLDS 2005, Dự thảo sửa đổi lần này có điểm gì mới và đặc biệt đáng chú ý?

BLDS là một bộ luật quan trọng, phạm vi và đối tượng điều chỉnh liên quan đến hầu hết người dân trong xã hội, hay nói cách khác, mỗi người dân đều là đối tượng chịu sự tác động của bộ luật này. Thực ra, Bộ luật Dân sự hiện hành cơ bản cũng bao hàm các quan hệ xã hội, quan hệ dân sự tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, lần sửa đổi này đã tách ra một số lĩnh vực chuyên ngành, vì những lĩnh vực này đã được quy định cụ thể trong luật chuyên ngành rồi nên sẽ không đưa vào trong BLDS sửa đổi. Ngoài ra, điểm đáng chú ý là Dự thảo luật sửa đổi lần này cũng có khá nhiều nội dung mới liên quan đến các quyền về nhân thân, về tài sản, về quyền thừa kế… Đặc biệt, về quyền thừa kế, dự thảo đã khắc phục những bất cập về thời hiệu khởi kiện thừa kế trong BLDS hiện hành, phù hợp với quyền của người thừa kế, người khác có liên quan đến di sản và những đặc thù về văn hóa, tính chất của di sản…

BLDS được coi là Bộ luật gốc, lớn và phức tạp nên việc lấy ý kiến được tiến hành đối với cả người Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông, làm thế nào để trong vòng ba tháng lấy ý kiến, chúng ta sẽ huy động tối đa được trí tuệ của nhân dân?

Việc tổ chức lấy ý kiến muốn có hiệu quả, có kết quả tốt thì cách thức tổ chức là một vấn đề rất quan trọng. Trên cơ sở đề cương mà Chính phủ dự kiến đưa ra lấy ý kiến đóng góp về 10 nội dung trọng tâm trong BLDS sửa đổi thì các cơ quan tổ chức liên quan phải có phương thức cụ thể hơn để việc lấy ý kiến phù hợp với từng loại đối tượng. Đối với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý thì phải có yêu cầu khác, hình thức lấy ý kiến cũng khác. Còn đối với nhân dân, cần phải có hướng dẫn rõ ràng hơn, cụ thể hơn, giới hạn trong một phạm vi hẹp hơn để người dân dễ dàng tiếp cận và cho ý kiến đóng góp. Việc lấy ý kiến lần này vừa là quyền, nhưng cũng là nghĩa vụ của người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng để có tác dụng và hiệu quả hơn nữa, chúng ta nên có phương pháp khích lệ những người tích cực tham gia đóng góp ý kiến, nên có hình thức biểu dương, khen thưởng.  

"Việc lấy ý kiến của nhân dân vào một dự án luật là quy định trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vừa qua, thông qua việc lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng đã tổng hợp được hàng triệu ý kiến thiết thực. Sau đó, bằng quá trình tiếp thu, hoàn thiện, Quốc hội đã thông qua được Hiến pháp. Điều đó cho thấy việc đóng góp ý kiến của nhân dân trong dự thảo luật đóng một vai trò rất quan trọng”.

TS. Đinh Xuân Thảo

Làm rõ khái niệm về “quyền riêng tư” và “bí mật cá nhân”

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi cho ý kiến về Dự thảo BLDS, có đại biểu cho rằng Dự thảo vẫn chưa đưa ra được khái niệm thống nhất về “quyền riêng tư” và “bí mật cá nhân”. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi cho rằng, trong việc đặt vấn đề về xây dựng BLDS sửa đổi cần phải có sự hoàn chỉnh, để khi bất cứ người dân nào có việc gì đó khiếu kiện ra tòa án thì tòa án không thể lấy lý do nội dung này pháp luật chưa quy định nên chưa thể thụ lý. Có thể còn nhiều lĩnh vực chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh, nhưng về nguyên tắc chung, để xử lý bất cứ mối quan hệ dân sự nào trong đời sống xã hội thì trong BLDS phải có quy định cụ thể. Hay nói cách khác, BLDS sửa đổi phải bao hàm, chứa đựng, thể hiện được mọi quan hệ dân sự, mọi quan hệ trong đời sống xã hội, dù bất cứ lĩnh vực nào cũng được xác định theo nguyên tắc của bộ luật này để làm căn cứ khi Tòa phân xử khi có tranh chấp giữa các bên.

Vấn đề “quyền riêng tư” và “bí mật cá nhân” là nội dung trong lĩnh vực quan hệ dân sự. “Quyền riêng tư” và “bí mật cá nhân” của con người trong khi chưa có luật riêng thì nên nghiên cứu để đưa ra một quy định cụ thể, ít nhất là đưa ra một quy tắc xử sự chung, nói rõ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bao gồm những nội dung gì và phạm vi đến đâu… “Quyền riêng tư” hay “bí mật cá nhân” là những khái niệm khá chung và trừu tượng, cần phải có một định nghĩa cụ thể chứ không thể để đến khi có tranh chấp xảy ra thì sẽ rất khó xử lý. Ranh giới của hai vấn đề này là rất nhỏ, nếu chúng ta không đưa ra một khái niệm rõ ràng thì sẽ dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau và dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng và thực hiện pháp luật.

Nhiều luật sư cho rằng, chỉ có “bí mật cá nhân” hợp pháp mới được pháp luật bảo vệ, còn chẳng hạn trong tình huống cụ thể như một người ngoại tình, thì tuy đây là đời sống riêng tư nhưng không thể được pháp luật bảo vệ bởi điều này đã xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Quan điểm đó không sai, tuy nhiên theo tôi không nên quá cứng nhắc mà nên có sự linh hoạt để áp dụng vào từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc chung, quyền của một ai đó mà được tôn trọng và bảo vệ thì đó phải là quyền hợp pháp, chính đáng.

Ví dụ như trường hợp con đánh bố mẹ, hay bố mẹ hành hạ con, thì dù có là vấn đề riêng tư, cá nhân, chúng ta cũng không thể không can thiệp và lên tiếng, vì đó là hành vi bất hợp pháp. Nhưng trong một ví dụ khác, như với một đứa trẻ dưới 14 tuổi mà bị hiếp dâm, việc lên án đối tượng hiếp dâm là đương nhiên, nhưng trong trường hợp Tòa án thụ lý, cho rằng nạn nhân đã đồng ý với việc quan hệ tình dục thì cần phải xác định được rằng, đây là do nhận thức của một đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên chưa thể nhận thức hết được hành vi sai trái mới dẫn đến vi phạm. Vì vậy, trong trường hợp này cần phải bảo vệ lợi ích cho nạn nhân, vì nó có thể còn liên quan đến lợi ích của họ sau này nữa. Đó là lý do vì sao chúng ta cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng các văn bản pháp luật.

Cảm ơn ông!

Hoài Thu (Thực hiện)

Theo Giao thông vận tải

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,388

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn