Chi phí khám sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
07/10/2024 23:00 PM

Bài viết sau có nội dung về chi phí khám sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự được quy định trong Thông tư 187/2017/TT-BQP.

Chi phí khám sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự

Chi phí khám sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự (Hình từ Internet)

1. Chi phí khám sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 187/2017/TT-BQP thì chi phí khám sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự như sau:

- Chi phí khám sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 và tuyển sinh quân sự là các chi phí bảo đảm cho khám phúc tra sức khỏe chiến sỹ mới nhập ngũ tại các đơn vị và khám sức khỏe cho học viên mới của các nhà trường, học viện trong Quân đội.

+ Khám phúc tra sức khỏe chiến sỹ mới nhập ngũ gồm: Khám thể lực; khám lâm sàng các chuyên khoa theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng quy định về việc khám sức khỏe thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự 2015; khám cận lâm sàng (xét nghiệm ma túy, HIV; chụp X quang tim phổi);

+ Khám sức khỏe học viên mới gồm: Khám thể lực; khám lâm sàng các chuyên khoa theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng quy định về việc khám sức khỏe thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự; khám cận lâm sàng (xét nghiệm nhóm máu, chỉ số huyết học, sinh hóa máu; xét nghiệm nước tiểu; siêu âm tổng quát, điện tim, chụp X quang tim phổi).

- Các khoản chi phí về hóa chất xét nghiệm và vật tư tiêu hao bảo đảm cho khám sức khỏe thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự 2015 và tuyển sinh quân sự được thực hiện theo tiêu chuẩn định mức quy định tại Mục 4 Danh mục số 06 ban hành kèm theo Nghị định 76/2016/NĐ-CP.

2. Quy định về nghĩa vụ quân sự

Nghĩa vụ quân sự được quy định cụ thể tại Điều 4 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:

- Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

- Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.

- Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

- Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:

+ Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;

+ Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;

+ Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;

+ Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

+ Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 935

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn