Hướng dẫn giải quyết trường hợp trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
16/09/2024 20:45 PM

Việc giải quyết trường hợp trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam là nội dung được quy định trong Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH.

Hướng dẫn giải quyết trường hợp trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam

Hướng dẫn giải quyết trường hợp trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn giải quyết trường hợp trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH thì việc giải quyết trường hợp trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam được thực hiện như sau:

- Trường hợp mọi biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ em tại nước nhận đều không đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em, việc đưa trẻ em trở lại Việt Nam là biện pháp cuối cùng đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em, Bộ Tư pháp trao đổi và thống nhất với Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của nước nhận về việc đưa trẻ em quay trở lại Việt Nam.

- Khi thực hiện biện pháp đưa trẻ em quay trở lại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của nước nhận giải quyết các vấn đề pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước nhận là thành viên.

- Bộ Công an tạo mọi điều kiện cần thiết cho trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam được đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận lại trẻ em và tạo điều kiện để trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

2. Hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết

Việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết được quy định cụ thể tại Điều 13 Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH như sau:

- Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp hoặc khi có thông tin xác thực về trường hợp trẻ em cần được bảo vệ, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành các biện pháp liên lạc, tiếp xúc, thăm hỏi và đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước nhận là thành viên. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kịp thời thông báo tình hình cho Bộ Tư pháp.

- Trên cơ sở thông tin có được theo khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH, Bộ Tư pháp liên hệ với Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của nước nhận để có biện pháp xử lý phù hợp, kể cả thu xếp biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ em, phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước nhận là thành viên.

3. Quy định về việc hỗ trợ con nuôi tìm hiểu thông tin về nguồn gốc

- Cha mẹ nuôi, con nuôi có nguyện vọng tìm hiểu thông tin về nguồn gốc của con nuôi có thể trực tiếp đến Bộ Tư pháp hoặc gửi đề nghị qua đường bưu điện, fax hoặc thư điện tử đến Bộ Tư pháp hoặc thông qua tổ chức con nuôi nước ngoài, hoặc Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của nước nơi con nuôi thường trú.

- Trường hợp có đủ thông tin về nguồn gốc của con nuôi, Bộ Tư pháp cung cấp thông tin theo đề nghị trong thời hạn 15 ngày.

- Trường hợp cần có thêm thông tin thì Bộ Tư pháp yêu cầu Sở Tư pháp nơi đã giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài xác minh, bổ sung thông tin trong thời hạn 15 ngày. Sau 15 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xác minh của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp cung cấp thông tin theo yêu cầu.

(Theo Điều 9 Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 397

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn