Chế độ đối với người làm nhiệm vụ trực bão số 3

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
11/09/2024 16:35 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung chi tiết về Chế độ đối với người làm nhiệm vụ trực bão số 3

Chế độ đối với người làm nhiệm vụ trực bão số 3

Chế độ đối với người làm nhiệm vụ trực bão số 3 (Hình từ internet)

Chế độ đối với người làm nhiệm vụ trực bão số 3

Căn cứ Điều 18 Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định về chế độ đối với người làm nhiệm vụ trực bão số 3 như sau:

(1) Mức hưởng

Người trực tại Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; người trực tại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các cấp thuộc các bộ, ngành, địa phương được hưởng chế độ trực ban đêm (bắt đầu từ 22 giờ) như sau:

- Mức 1: Trực có thời gian từ 04 giờ/01 ngày trở lên được hưởng mức tiền ăn thêm/01 ngày bằng 4% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành, tương đương 93.600 đồng.

- Mức 2: Trực có thời gian từ 02 giờ đến dưới 04 giờ được hưởng mức tiền ăn thêm bằng 2% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành, tương đương 46.800 đồng.

(2) Số lượng người trực

- Tại Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn quy định;

- Tại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các cấp do Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các bộ, ngành, địa phương cấp tỉnh quy định.

Lưu ý: Chi phí cho trực được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương.

Nguyên tắc tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn

Nguyên tắc tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo Điều 4 Nghị định 30/2017/NĐ-CP như sau:

- Thông tin về sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cơ quan chủ trì.

- Chủ động, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thiết bị cho hoạt động ứng phó theo từng khu vực và tính chất vụ việc; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và các lực lượng tham gia công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Từng bước nâng cao năng lực dân sự trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

- Thực hiện phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả. Ưu tiên hoạt động cứu người trước, cứu tài sản sau và bảo vệ môi trường khi có tình huống xảy ra.

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ các lực lượng được huy động tham gia ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trong suốt quá trình tổ chức thực hiện công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.

- Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các công trình, phương tiện hoạt động trên phạm vi khu vực được ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn gây ra.

Phân cấp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Theo Điều 10 Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định về phân cấp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như sau:

- Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó các sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

+ Tình huống sự cố và tìm kiếm, cứu nạn xảy ra tại cơ sở (xã, phường, thị trấn) phải chủ động tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả. Trường hợp tình huống xảy ra vượt quá khả năng tự ứng phó của cơ sở phải báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động lực lượng đến hỗ trợ ứng cứu.

+ Tình huống xảy ra trong phạm vi rộng bao gồm nhiều địa phương thì các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tại các địa phương nơi xảy ra tình huống cùng phối hợp ứng phó.

+ Khi tình huống xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (qua Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn) để chỉ đạo ứng phó.

Trường hợp cần thiết, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn sẽ thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó bao gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất huy động lực lượng của các bộ, ngành, địa phương khác đến hỗ trợ ứng cứu. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp ứng phó.

- Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó các tình huống về thiên tai được thực hiện theo quy định tại các Điều 7 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 1), Điều 8 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 2), Điều 9 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 3), Điều 10 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 4) và Điều 11 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai) Nghị định 66/2014/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai 2013.

- Trong các trường hợp cần phối hợp với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài trong việc ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trên lãnh thổ của Việt Nam hoặc do Việt Nam quản lý, thực hiện theo quy định pháp luật về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn