Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào là ngày nào? Cơ sở hình thành quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
10/09/2024 08:42 AM

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào là ngày nào? Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào được hình thành trên cơ sở nào?

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào là ngày nào?

Ngày 05/9/1962, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, khẳng định sự gắn bó của hai dân tộc láng giềng Việt Nam - Lào, luôn cùng kề vai sát cánh, gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do dân tộc.

Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: (i) Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; (ii) Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.

Trong đó, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng nhằm củng cố và tăng cường tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước.

Như vậy, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào là ngày 05/9/1962.

(Theo Hướng dẫn 53-HD/BTGTW ngày 26/5/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương Tuyên truyền về “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”)

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào là ngày nào? (Hình từ internet)

Cơ sở hình thành quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, gần gũi bên nhau như làng trên xóm dưới. Thành ngữ Việt Nam có câu láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, tương tự như cách nhân dân Lào gọi nhân dân Việt Nam là bản cạy hươn khiêng (bản kề, nhà cạnh). Quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ nhân hòa, nảy sinh từ đời sống thích ứng với tự nhiên và dựng xây xã hội của biết bao thế hệ cộng đồng dân cư hai nước có nhiều lợi ích tương đồng, cao hơn hết là vận mệnh hai dân tộc gắn bó với nhau rất khăng khít và được phát triển thành quan hệ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế.

Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào không phải do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào, mà bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc có cùng lợi ích cơ bản về độc lập, tự chủ và nguyện vọng chính đáng thiết tha về hòa bình và phát triển.

- Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ

Việt Nam và Lào có vị trí địa - chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á do nằm kề con đường giao thương hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Dãy Trường Sơn, biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào là bức tường thành hiểm yếu, tạo điều kiện cho hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Tại đây, có nhiều vị trí chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế và quốc phòng rộng lớn của cả hai nước, có thể trở thành điểm tựa vững chắc cho Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Do điều kiện tự nhiên và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và Lào có nhiều điểm tương đồng, lại vừa có những nét khác biệt, trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, hai nước hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau bằng tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực, thị trường cũng như sự phân vùng kinh tế và phân công lao động hợp lý để hợp tác cùng phát triển.

- Nhân dân hai nước giàu lòng nhân ái, bao dung và văn hóa của hai dân tộc có nhiều nét tương đồng

Việt Nam và Lào đều là những quốc gia đa dân tộc, có lịch sử phát triển lâu đời trên bán đảo Đông Dương. Quá trình cộng cư hoặc sinh sống xen cài của những cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn biên giới của hai nước đã phản ánh sinh động, liên tục mối quan hệ cội nguồn và quan hệ tiếp xúc từ xa xưa của nhân dân hai nước.

Sự hài hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh người Việt Nam cũng như người Lào. Người Việt Nam thường nói: “Được lời như cởi tấm lòng”, thì người Lào có câu ngạn ngữ: “Vầu thực khọ, khỏ kin cò bò thi (bò khỉ thi), vầu bò thực khọ khỏ xừ cò bò khải” (Nói hợp lòng thì xin ăn cho cũng chả tiếc, nói trái ý thì dẫu xin mua cũng chẳng bán). Những tình cảm bình dị nhưng chân thành mà người dân nước Việt dành cho người bạn Lào láng giềng của mình từ xa xưa vẫn còn được lưu lại trong thư tịch cổ: “người Lào thuần hậu chất phác” , trong giao dịch buôn bán thì “họ vui lòng đổi chác” .

Mặc dù Việt Nam và Lào có tiếng nói, văn tự không giống nhau, sáng tạo và lựa chọn các nền văn hóa cũng như các hình thức tổ chức chính trị - xã hội khác nhau, nhưng những nét tương đồng thì vẫn thấy phổ biến trong muôn mặt đời sống hằng ngày của cư dân Việt Nam và Lào. Các nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và Lào dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm lẫn nhau, chia sẻ tâm hồn chung về các giá trị cộng đồng, coi trọng luật tục, tôn kính người già,...

Sự tương đồng giữa văn hóa của người Việt và người Lào bắt nguồn từ chính nền tảng chung của văn minh nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam Á. Trong đối nhân xử thế, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào bao giờ cũng nêu cao những phẩm chất yêu thương và hướng thiện.

- Nhân dân hai nước có truyền thống bang giao hòa hiếu, cưu mang đùm bọc lẫn nhau từ lâu đời; cuối thế kỷ XIX cùng bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị tàn bạo

Trong thời kỳ phong kiến, đặc điểm nổi bật về quan hệ giữa nhân dân hai nước là thân thiện, hữu hảo. Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, đặc biệt thông qua quan hệ hôn nhân giữa hoàng tộc và lãnh chúa địa phương ở cả hai nước.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm lược và đặt ách đô hộ lên Việt Nam, Campuchia và Lào. Do có cùng một kẻ thù và chung một cảnh ngộ bị xâm lược và áp bức, phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị sẵn có, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp với nhau trong một sứ mệnh chung đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do.

Tuy các phong trào trên đều bị chính quyền thực dân đàn áp, dập tắt, song mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào trong những năm đầu chống sự xâm lược và ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp cho thấy việc xây dựng khối đoàn kết đấu tranh trở thành một nhu cầu tất yếu khách quan của hai dân tộc. Xác định con đường cứu nước đúng đắn và xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc là những nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các nhà lãnh đạo phong trào yêu nước và cách mạng trên bán đảo Đông Dương.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định con đường giải phóng dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào

Trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đã dày công nghiên cứu lý luận và trực tiếp kiểm nghiệm thực tiễn về bản chất và mô hình các cuộc cách mạng trên thế giới nhằm phát hiện chân lý cứu nước. Người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và Đông Dương để xác định con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào theo quỹ đạo cách mạng vô sản.

Trong quá trình đó, Nguyễn Ái Quốc luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình Lào. Người không chỉ lên án chế độ thực dân Pháp nói chung mà còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập vào tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2 năm 1927, Hội này gây dựng được cơ sở tại Lào.

Trên thực tế, từ nửa sau những năm 20 của thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương; đồng thời là địa bàn để Người nắm tình hình và tìm kiếm con đường trở về Việt Nam. Năm 1928, đích thân Người bí mật tiến hành khảo sát thực địa tại Lào càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

(Theo Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2017) và 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (1977-2017))

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn