Hướng dẫn lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
28/08/2024 16:30 PM

Nội dung bài viết sau trình bày quy định về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến, qua đó là những quy định pháp luật liên quan về hình thức lấy ý kiến đại biểu.

Hướng dẫn lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến

Hướng dẫn lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến (Hình ảnh từ Internet)

1. Kỳ họp Quốc hội là gì?

- Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt.

- Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ.

Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

(Theo Điều 1 Nghị quyết 71/2022/QH15)

2. Người nào được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội

Tại Điều 5 Nghị quyết 71/2022/QH15 thì những người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội bao gồm:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan do Quốc hội thành lập không phải là đại biểu Quốc hội được mời tham dự kỳ họp Quốc hội; có trách nhiệm tham dự phiên họp toàn thể của Quốc hội khi thảo luận về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 71/2022/QH15 được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách nếu được Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp đồng ý hoặc yêu cầu.

- Khách mời danh dự trong nước,khách mời danh dự quốc tế do Chủ tịch Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội trao đổi, thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về khách mời danh dự quốc tế trước khi báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc khách mời danh dự trong nước phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội; xem xét việc khách mời danh dự quốc tế phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội theo đề nghị của Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội.

- Đại diện cơ quan nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội. Căn cứ chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội quyết định danh sách người được mời quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 71/2022/QH15.

- Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.

- Chế độ sử dụng tài liệu và vị trí chỗ ngồi của người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Nghị quyết 71/2022/QH15 do Tổng Thư ký Quốc hội quyết định.

3. Hướng dẫn lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến

- Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo,báo cáo, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra xem xét, quyết định việc lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc nội dung của kỳ họp Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến.

- Đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến được gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiếu xin ý kiến thể hiện rõ phương án, ưu điểm, nhược điểm của từng phương án và được thể hiện bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử.

- Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thể hiện ý kiến vào phiếu xin ý kiến và gửi lại phiếu xin ý kiến đến Tổng Thư ký Quốc hội đúng thời hạn.

- Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội; tập hợp, tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội.

(Theo Điều 10 Nghị quyết 71/2022/QH15)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn