Trường hợp người lao động bị giảm lương khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
03/07/2024 10:31 AM

Từ ngày 01/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng ở tất cả các vùng. Tuy nhiên, có trường hợp người lao động bị giảm lương khi tăng lương tối thiểu vùng.

Trường hợp người lao động bị giảm lương khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024

Trường hợp người lao động bị giảm lương khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024 (Hình từ internet)

1. Tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024

Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng, áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2024 như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.960.000

23.800

Vùng II

4.410.000

21.200

Vùng III

3.860.000

18.600

Vùng IV

3.450.000

16.600

Còn mức lương tối thiểu vùng trước ngày 01/7/2024 theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

2. Trường hợp người lao động bị giảm lương khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024

Người lao động đi làm tại doanh nghiệp thông thường sẽ có 04 khoản lương cần quan tâm là:

- Lương tối thiểu vùng.

- Lương cơ bản, lương cơ bản chính là thuật ngữ “mức lương” theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và thông thường các công ty sẽ lấy lương cơ bản làm căn cứ để đóng BHXH.

- Lương thỏa thuận.

- Lương thực nhận.

Trong đó, lương cơ bản phải lớn hơn hoặc bằng lương tối thiểu vùng, lương thỏa thuận có thể lớn hơn hoặc bằng lương cơ bản, lương thực nhận có thể bằng hoặc nhỏ hơn hoặc lớn hơn lương thỏa thuận.

Lương tối thiểu vùng ≤ Lương cơ bản ≤ Lương thỏa thuận = < > Lương thực nhận

Trong các khoản lương đó thì pháp luật chỉ điều chỉnh đối với lương cơ bản (tức mức lương).

Cụ thể, khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, trước ngày 01/7/2024 nếu người lao động có lương cơ bản thấp hơn lương tối thiểu vùng mới, từ ngày 01/7/2024, công ty sẽ tăng lương cơ bản cho người lao động lên ít nhất bằng lương tối thiểu vùng mới và công ty không tăng lương thỏa thuận cho người lao động. Như vậy, trường hợp này người lao động sẽ bị giảm lương thực nhận do khi tăng lương cơ bản thì số tiền đóng BHXH sẽ tăng lên.

Tóm lại, nếu từ ngày 01/7/2024, nếu người lao động được tăng lương cơ bản (lương đóng BHXH) nhưng giữ nguyên lương thỏa thuận thì sẽ bị giảm lương thực nhận. (Lưu ý là không tính các khoản trợ cấp, phụ cấp khác)

Ví dụ, chị A làm ở vùng I, trước ngày 01/7/2024 có:

- Lương cơ bản (lương đóng BHXH) là 4.700.000/tháng.

- Lương thỏa thuận là 10.000.000/tháng.

Sau ngày 01/7/2024, công ty tăng lương cơ bản (lương đóng BHXH) của chị A lên 5.000.000/tháng nhưng không tăng lương thỏa thuận. Do đó, số tiền đóng BHXH của chị A sẽ tăng lên. Như vậy số tiền thực nhận của chị A sẽ giảm xuống.

3. Cách xác định địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng

Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:

- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

- Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

- Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.

(Khoản 3 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

Lương tối thiểu vùng 2024

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn