Nội dung quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc UBND cấp tỉnh

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
08/06/2024 12:00 PM

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định mới nhất.

Nội dung quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc UBND cấp tỉnh

Nội dung quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc UBND cấp tỉnh (Hình từ Internet)

1. Truy xuất nguồn gốc là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 02/2024/TT-BKHCN thì truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

2. Nội dung quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc UBND cấp tỉnh

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 02/2024/TT-BKHCN thì nội dung quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định cụ thể như sau:

- Thực hiện nội dung quy định tại khoản 3 Điều 19đ Nghị định 132/2008/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 13/2022/NĐ-CP.

- Giao cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương theo quy định tại khoản 13 Điều 8 Nghị định 24/2014/NĐ-CP:

+ Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn áp dụng, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, triển khai và quản lý truy xuất nguồn gốc tại địa phương; phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để khai thác, cung cấp, tra cứu thông tin trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước tại địa phương;

+ Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các cơ quan liên quan trong quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương;

+ Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng kế hoạch thực hiện, dự trù nguồn lực cần thiết để triển khai các hoạt động liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa hằng năm, trung hạn và dài hạn tại địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt;

+ Có phương án phù hợp để khuyến khích, thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa từ nguồn lực của doanh nghiệp và các nguồn hỗ trợ khác, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.

- Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo tình hình triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương theo Mẫu báo cáo tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo, phương thức gửi, nhận báo cáo thực hiện theo quy định tại Thông tư 13/2021/TT-BKHCN.

Mẫu báo cáo

3. Các thông tin trong dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau:

- Tên sản phẩm, hàng hóa;

- Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa;

- Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh;

- Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh;

- Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn);

- Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra);

- Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa;

- Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có);

- Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có);

- Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng (theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 02/2024/TT-BKHCN)

Võ Tấn Đại

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,015

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]