Yêu cầu: Tăng cường giám sát kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ (Hình từ Internet)
Ngày 15/01/2025, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 01/CT-BCT thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Quý I năm 2025.
Theo đó, để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, và tạo tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường, đồng thời nghiêm túc thực hiện các công việc được quy định cụ thể tại Chỉ thị 01/CT-BCT năm 2025 như sau:
- Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng hóa thiết yếu và dịch vụ có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán; Tăng cường giám sát các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo hoặc cung cấp hàng hóa kém chất lượng.
- Tập trung giám sát cạnh tranh trong các lĩnh vực hàng hóa thiết yếu, như thực phẩm, xăng dầu, điện và các sản phẩm tiêu dùng phục vụ Tết, nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; Phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền hoặc thao túng giá cả, đặc biệt trong các ngành hàng có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về quyền lợi người tiêu dùng, các quy định pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Hỗ trợ người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin và giải quyết khiếu nại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa và dịch vụ trong dịp cao điểm tiêu dùng.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì các nội dung quản lý nhà nước về thương mại điện tử bao gồm:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại ( sửa đổi khoản 5 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP)
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thương mại điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn ứng dụng thương mại điện tử và các quy định về quản lý dịch vụ thương mại điện tử đặc thù.
- Quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử.
- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử.
- Tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong thương mại điện tử.
- Tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử.
- Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho thương mại điện tử.
- Thống kê về thương mại điện tử.
- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử.
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Xem thêm tại Chỉ thị 01/CT-BCT ban han hành ngày 15/01/2025.