Quy định về công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ đối với nghiên cứu sinh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
30/05/2024 16:30 PM

Quy định về công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ đối với nghiên cứu sinh là nội dung được quy định tại Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021.

Thủ tục công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ đối với nghiên cứu sinh

Quy định về công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ đối với nghiên cứu sinh (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định về công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ đối với nghiên cứu sinh

Theo Điều 19 Quy chế ban hành kèm Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT quy định về việc công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ như sau:

 - Nghiên cứu sinh được xét công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ khi đáp ứng những yêu cầu sau:

+ Luận án của nghiên cứu sinh đã được Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo đồng ý thông qua;

+ Nghiên cứu sinh đã nộp cho cơ sở đào tạo (cả bản in và bản điện tử) luận án hoàn chỉnh cuối cùng có chữ ký của nghiên cứu sinh, xác nhận của người hướng dẫn; xác nhận Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án sau khi đã hoàn thành chỉnh sửa, bổ sung luận án (nếu có);

+ Nghiên cứu sinh đã nộp Thư viện Quốc gia Việt Nam (cả bản điện tử và bản in) tóm tắt luận án và toàn văn luận án hoàn chỉnh cuối cùng có chữ ký của nghiên cứu sinh, chữ ký của người hướng dẫn và xác nhận của cơ sở đào tạo.

- Cơ sở đào tạo đăng toàn văn luận án hoàn chỉnh cuối cùng của nghiên cứu sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (trừ những luận án được đánh giá theo chế độ mật) trong thời gian 03 tháng kể từ khi nghiên cứu sinh đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Quy chế ban hành kèm Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT.

- Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 19 Quy chế ban hành kèm Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT, cơ sở đào tạo tổ chức xét và ban hành quyết định công nhận trình độ tiến sĩ cho nghiên cứu sinh.

- Cơ sở đào tạo lập hồ sơ xét công nhận trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ, bao gồm:

+ Biên bản của buổi đánh giá luận án tại cơ sở đào tạo;

+ Quyết nghị đồng ý thông qua luận án của Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo;

+ Biên bản kiểm phiếu, phiếu đánh giá luận án có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng có mặt tại buổi đánh giá luận án;

+ Bản nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn nghiên cứu sinh; bản xác nhận đã hoàn thành chỉnh sửa, bổ sung luận án của người hướng dẫn và Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án (nếu có);

+ Những tài liệu khác theo quy định của cơ sở đào tạo.

- Cơ sở đào tạo thực hiện việc cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày quyết định công nhận trình độ tiến sĩ có hiệu lực.

2. Thời gian và hình thức đào tạo trình độ tiến sĩ

Tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT quy định về thời gian và hình thức đào tạo trình độ tiến sĩ như sau:

- Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này; mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh (theo mẫu tại Phụ lục I).

Phụ lục I

- Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.

- Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian.

3. Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ 

Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT như sau:

- Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành, đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam và quy định về chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu và bắt buộc trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, được quy định chi tiết tại quy chế của cơ sở đào tạo tùy theo yêu cầu của từng lĩnh vực, ngành đào tạo cụ thể. Kết quả nghiên cứu được thể hiện trong luận án tiến sĩ và những công bố khoa học có liên quan của nghiên cứu sinh.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,413

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn