Hướng dẫn thực hiện thủ tục chỉ định người bào chữa

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/05/2024 17:30 PM

Xin hỏi theo quy định pháp luật hiện nay thì thủ tục chỉ định người bào chữa được thực hiện như thế nào? - Quang Thế (Bình Dương)

Hướng dẫn thực hiện thủ tục chỉ định người bào chữa

Hướng dẫn thực hiện thủ tục chỉ định người bào chữa (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hướng dẫn thực hiện thủ tục chỉ định người bào chữa

Theo Điều 5 Thông tư 46/2019/TT-BCA thì đối với người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa có đơn yêu cầu người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thực hiện các quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư 46/2019/TT-BCA. Nếu người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa không có đơn yêu cầu người bào chữa thì thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền mà người đại diện hoặc người thân thích của những người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chỉ định người bào chữa được quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Khi nhận được văn bản cử người được quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong thời hạn không quá 24 giờ, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để họ có ý kiến về việc chỉ định người bào chữa; việc gặp phải được lập biên bản và ghi rõ ý kiến của bị can, người đại diện hoặc người thân thích về việc có đồng ý hoặc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp đồng ý chỉ định người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án làm căn cứ để tiến hành thủ tục đăng ký bào chữa.

- Trường hợp thay đổi người bào chữa, nếu bị can, người đại diện hoặc người thân thích nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan của người bào chữa đó để phân công; nếu không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm gửi đến một trong các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để cử lại người.

- Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã cử người, người được cử chỉ định. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất với người được cử chỉ định về thời gian gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để xác nhận việc từ chối.

2. Tiếp nhận, thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa

Theo Điều 6 Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định việc tiếp nhận, thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa như sau:

Trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc trực ban hình sự của từng đơn vị điều tra (trong trường hợp không tổ chức trực ban hình sự chung) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bào chữa. Khi nhận được hồ sơ đăng ký bào chữa, trường hợp Cơ quan điều tra tổ chức trực ban hình sự chung thì cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận vào sổ trực ban hình sự, chuyển ngay cho đơn vị thụ lý vụ án để đóng dấu văn bản đến và giao ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án. Trường hợp đơn vị điều tra tổ chức trực ban hình sự riêng, cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và chuyển ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án.

Điều tra viên có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Điều tra viên có trách nhiệm trình Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được Thủ trưởng phân công hoặc ủy quyền) ký Thông báo về việc đăng ký bào chữa và vào sổ đăng ký bào chữa. Trường hợp hồ sơ đăng ký bào chữa chưa bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bào chữa biết để bổ sung hồ sơ.

Trường hợp người bào chữa làm thủ tục đăng ký bào chữa cho những người đã có quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bào chữa biết.

- Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ từ chối hoặc từ khi hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa cho người bào chữa, cơ sở giam giữ.

Trường hợp Cơ quan đang thụ lý vụ án hủy bỏ thông báo người bào chữa thì phải thông báo cho tổ chức quản lý người bào chữa bằng văn bản và nêu rõ lý do hủy bỏ.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,583

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn