Điều kiện khen thưởng danh hiệu học sinh tiêu biểu năm học 2023-2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
20/05/2024 15:30 PM

Xin cho tôi hỏi điều kiện khen thưởng danh hiệu học sinh tiêu biểu năm học 2023-2024? - Minh Thuận (Hòa Bình)

Điều kiện khen thưởng danh hiệu học sinh tiêu biểu năm học 2023-2024

Điều kiện khen thưởng danh hiệu học sinh tiêu biểu năm học 2023-2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Điều kiện khen thưởng danh hiệu học sinh tiêu biểu năm học 2023-2024

Theo đó, danh hiệu học sinh tiêu biểu chỉ được khen thưởng ở các khối lớp tiểu học đã thực hiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng với lớp 1, 2, 3 và 4 tại Điều 13 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT như sau:

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá:

- Các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt: Nếu thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

- Các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt: Nếu đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên.

- Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.

Yêu cầu đánh giá học sinh tiểu học năm học 2023-2024

(1) Đối với lớp 1, 2, 3 và 4

Yêu cầu đánh giá học sinh lớp 1, 2, 3 và 4 được quy định tại Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT như sau:

- Đánh giá học sinh thông qua đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

- Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

- Đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

(2) Đối với lớp 5

Yêu cầu đánh giá học sinh lớp 5 được quy định tại Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT) như sau:

- Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.

- Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

- Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

- Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Nội dung đánh giá học sinh tiểu học năm học 2023-2024

(1) Đối với lớp 1, 2, 3 và 4

Nội dung đánh giá học sinh lớp 1, 2, 3 và 4 được quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT như sau:

* Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

* Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi như sau:

- Những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

- Những năng lực cốt lõi:

+) Những năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo;

+) Những năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

(2) Đối với lớp 5

Nội dung đánh giá học sinh lớp 5 được quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT) như sau:

- Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

- Đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh:

+ Năng lực: tự phục vụ, tự quản; hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề;

+ Phẩm chất: chăm học, chăm làm; tự tin, trách nhiệm; trung thực, kỉ luật; đoàn kết, yêu thương.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,398

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn