Thỉnh giảng là gì? Tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
18/05/2024 17:45 PM

Xin cho tôi hỏi thỉnh giảng là gì? Tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng được quy định như thế nào? - Quỳnh Như (Thanh Hóa)

Thỉnh giảng là gì? Tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng

Thỉnh giảng là gì? Tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Thỉnh giảng là gì?

Căn cứ Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT, thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo đến:

(i) Giảng dạy các môn học, học phần được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và đại học;

(ii) Giảng dạy các chuyên đề;

(iii) Hướng dẫn, tham gia chấm, hội đồng chấm đồ án, khoá luận tốt nghiệp; hướng dẫn, tham gia hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

(iv) Hướng dẫn thí nghiệm, thực hành, thực tập theo các chương trình giáo dục;

(v) Tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, sách tham khảo.

Các hoạt động quy định tại (ii), (iii), (iv) được tính, quy đổi thành giờ thỉnh giảng.

Cơ sở giáo dục nói trên được gọi là cơ sở thỉnh giảng.

Người thực hiện hoạt động nói trên tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp gọi là giáo viên thỉnh giảng, tại cơ sở giáo dục đại học gọi là giảng viên thỉnh giảng. Giáo viên thỉnh giảng, giảng viên thỉnh giảng gọi chung là nhà giáo thỉnh giảng.

Tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng

Theo Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng như sau:

- Đối với việc giảng dạy các môn học, các chuyên đề được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo thỉnh giảng phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhà giáo; giáo viên thỉnh giảng là giáo viên trong biên chế, giáo viên cơ hữu của cơ sở giáo dục mầm non hoặc cơ sở giáo dục phổ thông thì phải đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên của cấp học mà nhà giáo đó thỉnh giảng.

- Đối với việc giảng dạy các chuyên đề không có trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân nêu tại (ii), nhà giáo thỉnh giảng phải có trình độ học vấn và kinh nghiệm chuyên môn phù hợp.

- Đối với việc giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo viên thỉnh giảng phải đạt trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên.

-. Đối với hoạt động nêu tại (iii), nhà giáo thỉnh giảng phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhà giáo và quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

- Đối với hoạt động nêu tại (iv), nhà giáo thỉnh giảng phải đáp ứng các yêu cầu thí nghiệm, thực hành, thực tập của môn học, chuyên đề, chương trình giáo dục; đạt tiêu chuẩn quy định đối với nhân viên làm công tác thí nghiệm.

- Đối với hoạt động nêu tại (v), theo ngành, chuyên ngành thỉnh giảng, nhà giáo thỉnh giảng phải đảm bảo ít nhất một trong các yêu cầu sau:

+ Có công trình khoa học được công bố trên tạp chí khoa học hoặc trong tuyển tập hội thảo khoa học trong, ngoài nước;

+ Có sách chuyên khảo đã được xuất bản;

+ Có đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu đạt yêu cầu từ cấp khoa và tương đương trở lên;

+ Có hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được nghiệm thu, thanh lý.

Quy định về hợp đồng thỉnh giảng

(1) Đối với nhà giáo thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức

- Hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc. Việc giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng thực hiện theo các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Không thực hiện hợp đồng lao động đối với hoạt động thỉnh giảng của cán bộ, công chức, viên chức.

- Trong hợp đồng thỉnh giảng phải có điều khoản nhà giáo thỉnh giảng cam kết bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác.

(2) Đối với nhà giáo thỉnh giảng không phải là cán bộ, công chức, viên chức

- Đối với các hoạt động nêu tại (i), (ii), (iii), (iv), hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng lao động đã được quy định tại Bộ luật Lao động 2019. Việc giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng, việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo các quy định của pháp luật về lao động.

- Đối với hoạt động thỉnh giảng nêu tại (v), hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc. Việc giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng thực hiện theo các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

(Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,329

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn