Công an TPHCM cảnh báo về 'hội vỡ nợ muốn làm liều': Chế tài với hành vi trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản,...

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
04/05/2024 16:44 PM

Xin hỏi việc Công an TPHCM cảnh báo về 'hội vỡ nợ muốn làm liều', vậy chế tài với hành vi trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản,...ra sao ? - An Giang (Kiên Giang)

Chế tài đối với hành vi trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản

Chế tài đối với hành vi trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản (Hình từ internet)

Công an TPHCM cảnh báo về 'hội vỡ nợ muốn làm liều'

Công an TP.HCM, đã thông tin về "hội vỡ nợ muốn làm liều" trên mạng xã hội.

Theo ông Nam, thành viên hội này rủ rê thành viên từ nhiều địa phương, tụ tập để tổ chức ăn trộm, ăn cướp, cướp giật. Công an TP.HCM đang giám sát chặt hội này để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Về "hội vỡ nợ muốn làm liều", đây là những nhóm công khai hoặc kín trên nền tảng mạng xã hội Facebook, các nhóm này được thành lập và nổi lên trong cộng đồng mạng từ khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây, thậm chí hiện nay các nhóm này còn ngày càng gia tăng tràn lan trên mạng xã hội.

Chỉ cần gõ cụm từ "vỡ nợ", "làm liều" lên thanh công cụ tìm kiếm trên Facebook, ngay lập tức nền tảng này trả về hàng trăm kết quả là các nhóm công khai lẫn nhóm kín với hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn thành viên.

Những nhóm này được các cơ quan chức năng đánh giá là môi trường dung dưỡng những nguy cơ tội phạm, tiềm ẩn sự bất an về an ninh trật tự. Người dân cần tránh tham gia vào, khi thấy các đối tượng có hành vi lôi kéo, tuyên truyền thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, thì tố giác với cơ quan chức năng.

Chế tài với hành vi trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản,...

Hành vi sử dụng không gian mạng để xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội là hành vi bị nghiêm cấm và pháp luật sẽ xử lý nghiêm.

Căn cứ Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, người có hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nếu có. Ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cơ quan chức năng xét thấy các hành vi trên đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm như: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, côn đồ.

Ngoài ra, thời gian trở lại đây, những người tham gia vào các nhóm "hội vỡ nợ muốn làm liều" trên thường có hành vi cướp tài sản, cướp giật tài sản hay trộm cắp tài sản,... có thể bị xử lý theo Điều 163, Điều 171 và Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

- Đối với hành vi cướp tài sản: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Mức phạt cao nhất có thể phạt tù từ 15 - 20 năm tù hoặc chung thân, tùy vào mức độ và các tình tiết tăng nặng khác được quy định của hành vi phạm tội.

- Đối với hành vi cướp giật tài sản: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Mức phạt cao nhất có thể phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc chung thân, tùy vào mức độ và các tình tiết tăng nặng khác được quy định của hành vi phạm tội.

- Đối với hành vi trộm cắp tài sản: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 173  Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) , thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức phạt cao nhất có thể từ 12 – 20 năm, tùy vào mức độ và các tình tiết tăng nặng khác được quy định của hành vi phạm tội.

Thông thường, những đối tượng phạm tội từ những nhóm "hội vỡ nợ muốn làm liều" trên Facebook này hoạt động theo băng nhóm, có tổ chức, đã nhắn tin, thông báo hẹn nhau bàn bạc kế hoạch phạm tội trên mạng xã hội, nên sẽ dễ bị tăng khung hình phạt cao hơn do phạm tội có tổ chức và mức độ gây thiệt hại lớn.

Bên cạnh các hành vi trộm, cướp tài sản, các nhóm đối tượng trên còn có những hành vi tổ chức tụ tập, quấy rối trật tự nơi công cộng, và đã bị cơ quan chức năng xử lý nhiều trường hợp.

Những người có hành vi gây rối trật tự công cộng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội gây rối trật tự công cộng như sau:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,773

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn