Ai được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
08/03/2024 11:00 AM

Cho tôi hỏi ai có quyền được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu? Và việc kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu gồm những hình thức nào? - Diễm Trang (Đồng Nai)

Ai được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu?

Ai được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ai được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu?

Theo Điều 3 Thông tư 44/2018/TT-BYT thì người được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu như sau:

- Người có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người hành nghề) được kê đơn thuốc thang, kê đơn kết hợp thuốc thành phẩm và thuốc thang:

+ Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng;

+ Cử nhân y học cổ truyền đã được đào tạo tương đương với văn bằng bác sỹ;

+ Y sỹ y học cổ truyền;

+ Lương y.

- Người được kê đơn thuốc dược liệu:

+ Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng;

+ Cử nhân y học cổ truyền đã được đào tạo tương đương với văn bằng bác sỹ;

+ Y sỹ y học cổ truyền;

+ Bác sỹ không thuộc chuyên khoa y học cổ truyền;

+ Y sỹ đa khoa.

- Người được kê đơn thuốc thành phẩm:

+ Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng;

+ Cử nhân y học cổ truyền đã được đào tạo tương đương với văn bằng bác sỹ;

+ Y sỹ y học cổ truyền;

+ Bác sỹ không thuộc chuyên khoa y học cổ truyền;

+ Y sỹ đa khoa.

+ Lương y.

- Người có chứng chỉ hành nghề bài thuốc gia truyền chỉ được kê đơn bài thuốc gia truyền đã được cấp có thẩm quyền cấp phép.

2. Các hình thức kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu

Các hình thức kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu theo Điều 4 Thông tư 44/2018/TT-BYT gồm:

- Kê đơn riêng thuốc thang, thuốc thành phẩm, thuốc dược liệu.

- Kê đơn bài thuốc gia truyền.

- Kê đơn phối hợp thuốc thành phẩm và thuốc thang.

3. Nguyên tắc kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu

Nguyên tắc kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu theo Điều 5 Thông tư 44/2018/TT-BYT (sửa đổi tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP) như sau:

- Người hành nghề chỉ được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh.

- Kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh và tình trạng bệnh.

- Được kê đơn phối hợp thuốc thang và thuốc thành phẩm trên một người bệnh mà giữa các thuốc này có sự trùng lặp một số vị thuốc trong thành phần, công thức.

- Trường hợp có sửa chữa nội dung đơn thuốc thì người kê đơn phải ký tên ngay bên cạnh nội dung sửa.

- Trường hợp đơn thuốc có chứa dược liệu độc thuộc Danh mục dược liệu độc làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BYT thì phải ghi rõ số lượng bằng số và bằng chữ, trường hợp số lượng dưới 10 (mười) thì phải ghi số 0 (không) ở phía trước.

- Không được ghi vào đơn thuốc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ thiết bị y tế.

4. Hướng dẫn cách ghi đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu

Hướng dẫn cách ghi đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu theo Điều 9 Thông tư 44/2018/TT-BYT như sau:

- Quy định chung về cách ghi đơn thuốc

+ Chữ viết tên thuốc theo ngôn ngữ tiếng Việt, chính xác, rõ ràng, ghi đủ theo các mục in trong đơn thuốc, sổ khám bệnh của người bệnh, tờ phơi điều trị trong hồ sơ bệnh án;

+ Ghi chính xác địa chỉ nơi người bệnh đang cư trú hoặc tạm trú;

+ Đối với trẻ em dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi và ghi thêm tên bố hoặc tên mẹ của trẻ;

+ Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía trên chữ ký của người kê đơn; ký, ghi rõ họ tên người kê đơn.

- Cách ghi đơn thuốc đối với thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu:

+ Khi kê đơn thuốc thang ghi tên thường dùng, ghi rõ liều lượng, đơn vị tính, không viết tắt tên thuốc đối với các vị thuốc y học cổ truyền; Hướng dẫn cụ thể cách sắc thuốc, cách uống thuốc, thời gian uống thuốc;

+ Chỉ định rõ liều dùng, cách dùng và đường dùng:

+ Đối với thuốc thành phẩm do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự sản xuất thì ghi theo tên đã được Sở Y tế hoặc Bộ Y tế phê duyệt lưu hành nội bộ (trừ đơn vị do Bộ Quốc phòng quản lý); Đối với thuốc được lưu hành toàn quốc thì ghi tên thuốc theo tên đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành;

+ Trường hợp người kê đơn cho người bệnh dùng quá liều thông thường so với quy trình chuyên môn của Bộ Y tế hoặc phác đồ hướng dẫn điều trị thì phải ký xác nhận bên cạnh.

- Thứ tự kê đơn thuốc trong đơn thuốc và hồ sơ bệnh án:

+ Thứ tự kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu: Thuốc thang, thuốc thành phẩm.

Đối với thuốc thành phẩm, kê theo thứ tự: Thuốc dạng viên, thuốc dạng nước, thuốc dạng chè, thuốc dạng bột, thuốc dạng cao và các dạng thuốc khác;

+ Thứ tự kê đơn thuốc kết hợp: Kê thuốc hóa dược trước, thuốc cổ truyền và thuốc dược liệu sau.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 812

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn