Bảng tra cứu tỷ lệ thương tật năm 2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích (hay còn gọi là tỷ lệ thương tật) theo Bảng 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH như sau:
Bảng 1 |
Nguyên tắc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể theo Điều 2 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH như sau:
- Tổng tỷ lệ phần trăm (%) tổn thương cơ thể của một người không được vượt quá 100%.
- Mỗi tổn thương cơ thể chỉ được tính tỷ lệ % tổn thương cơ thể một lần.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A bị tổn thương hoàn toàn thần kinh trụ gây teo cơ bàn tay phải, thì tỷ lệ % tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn A chỉ được tính theo tỷ lệ % tổn thương hoàn toàn thần kinh trụ (31-35%). Trong trường hợp này, không tính tỷ lệ % tổn thương teo cơ bàn tay phải, vì teo cơ bàn tay phải là do hậu quả của tổn thương dây thần kinh trụ đã được tính ở trên.
- Nếu nhiều tổn thương cơ thể là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được nêu trong Bảng tỷ lệ quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH thì tỷ lệ % tổn thương cơ thể được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn B được xác định là bệnh tâm thần phân liệt điều trị không ổn định, có triệu chứng ảo giác và căng trương lực cơ, thì tỷ lệ % tổn thương cơ thể được tính theo tỷ lệ bệnh tâm thần phân liệt điều trị không ổn định (51-55%); không được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể bằng cách cộng tỷ lệ % tổn thương cơ thể ảo giác và tỷ lệ % tổn thương cơ thể căng trương lực cơ.
- Nếu cơ thể được xác định có 01 (một) tổn thương thì tỷ lệ % tổn thương cơ thể là giới hạn cao nhất của tỷ lệ % tổn thương cơ thể đó.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn C bị cụt 1/3 giữa cánh tay phải, theo quy định tại Bảng 1, Điều 1 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH, tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 61 - 65% thì tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn C được xác định là 65%.
- Khi tổng hợp tỷ lệ % tổn thương cơ thể, chỉ được lấy giới hạn trên của tỷ lệ % tổn thương cơ thể cao nhất một lần, từ tổn thương cơ thể thứ hai trở đi, lấy giới hạn dưới của tỷ lệ % tổn thương cơ thể để tính, theo trình tự từ tỷ lệ % tổn thương cơ thể cao nhất đến tỷ lệ % tổn thương cơ thể thấp nhất.
- Tỷ lệ % tổn thương cơ thể là số nguyên. Khi tính tỷ lệ % tổn thương cơ thể chỉ lấy hàng thập phân đến một chữ số. Nếu chữ số hàng thập phân lớn hơn hoặc bằng 5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị.
Phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể theo Điều 3 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH như sau:
- Việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể được tính theo công thức sau:
Tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể = T1 + T2 + T3 +…+ Tn
Trong đó:
T1: Tỷ lệ % tổn thương cơ thể của tổn thương thứ nhất; T1 được xác định là tỷ lệ % tổn thương cơ thể cao nhất trong các tổn thương cơ thể.
T2: Tỷ lệ % tổn thương cơ thể của tổn thương thứ hai; T2 = (100 - T1) x giới hạn dưới của tổn thương cơ thể thứ 2/100%.
T3: Tỷ lệ % tổn thương cơ thể của tổn thương thứ ba; T3 = (100-T1-T2) x giới hạn dưới của tổn thương cơ thể thứ 3/100%.
Tn: Tỷ lệ % tổn thương cơ thể của tổn thương thứ n, Tn= {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x giới hạn dưới của tổn thương cơ thể thứ n/100%.
- Ví dụ: Ông Nguyễn Văn D được xác định có 03 tổn thương cơ thể:
+ Cụt 1/3 giữa cánh tay phải, tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 61 - 65%.
+ Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 21 - 25%.
+ Mù mắt trái chưa khoét bỏ nhãn cầu, tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 41%
Áp dụng phương pháp nêu trên, tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của Ông Nguyễn Văn D được tính như sau:
T1 = 65%,
T2 = (100 - 65) x 41/100% = 14,35%, làm tròn số thành 14,0 %.
T3 = (100 - 65 - 14,0) x 21/100% = 4,41 %, làm tròn số thành 4,0%.
Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn D là 65% + 14,0 % + 4 % = 83 %
Tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn D là 83 %.