02 trường hợp vi phạm chính sách dân số không được xem xét kết nạp Đảng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
17/02/2024 12:30 PM

Xin cho tôi hỏi trường hợp vi phạm chính sách dân số không được xem xét kết nạp Đảng là trường hợp nào? - Hồng Hạnh (Bình Dương)

02 trường hợp vi phạm chính sách dân số không được xem xét kết nạp Đảng

02 trường hợp vi phạm chính sách dân số không được xem xét kết nạp Đảng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

02 trường hợp vi phạm chính sách dân số không được xem xét kết nạp Đảng

Căn cứ Điều 3 Quy định 05-QĐi/TW năm 2018, các trường hợp không xem xét kết nạp lại và kết nạp vào Đảng bao gồm:

- Đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng lại vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.

- Quần chúng đã vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình trong trường hợp sinh con thứ năm trở lên.

Điều kiện được xem xét kết nạp Đảng khi vi phạm chính sách dân số

(1) Tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp lại vào Đảng đối với đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số

Theo Điều 4 Quy định 05-QĐi/TW năm 2018, tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp lại vào Đảng đối với đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình được quy định như sau:

- Đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình chỉ được xem xét, kết nạp lại vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện như sau:

+ Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị; 

+ Là người có uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, được cấp uỷ nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân;

+ Phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 24 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ ba hoặc 36 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ tư kể từ ngày bị đưa ra khỏi Đảng đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Việc kết nạp lại đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng phải được ban thường vụ cấp uỷ trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi ban thường vụ cấp uỷ huyện (hoặc tương đương) quyết định kết nạp.

(2) Tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp vào Đảng đối với quần chúng vi phạm chính sách dân số

Tại Điều 5 Quy định 05-QĐi/TW năm 2018 quy định tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp vào Đảng đối với quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình như sau:

- Quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình chỉ được xem xét, kết nạp vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bao gồm:

+ Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị;

+ Là người có uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, được cấp uỷ nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân;

+ Phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 24 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ ba hoặc 36 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ tư kể từ ngày sinh con đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Việc kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng do ban thường vụ cấp uỷ huyện (hoặc tương đương) xem xét, quyết định.

Các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên không bị coi là vi phạm chính sách dân số

Cụ thể Điều 2 Quy định 05-QĐi/TW năm 2018, những trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình bao gồm:

- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

+ Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).

+ Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định 05-QĐi/TW năm 2018 không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

- Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

- Sinh con thứ ba trở lên trước ngày 19/01/1989 (ngày có hiệu lực thi hành Quyết định 162-HĐBT ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình).

- Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên).

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,787

Bài viết về

Chính sách dân số

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn