Nhà đầu tư được sử dụng nguồn vốn nào để đầu tư ra nước ngoài? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ theo Điều 55 Luật Đầu tư 2020 quy định về nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài như sau:
- Nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn và huy động các nguồn vốn để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
- Việc vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển vốn đầu tư bằng ngoại tệ phải tuân thủ điều kiện và thủ tục theo quy định của pháp luật về ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quản lý ngoại hối.
- Căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ, chính sách quản lý ngoại hối trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho nhà đầu tư vay vốn bằng ngoại tệ theo quy định để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Theo Điều 69 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài như sau:
- Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Theo đó, tiền và tài sản hợp pháp khác gồm:
- Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật;
- Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam;
- Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm;
- Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản;
- Cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài, cụ thể:
Nhà đầu tư Việt Nam được dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư đó tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế ở nước ngoài.
Trong trường hợp này, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự.
Ngoài ra, vốn đầu tư ra nước ngoài được dùng để góp vốn, cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh (nếu có) để thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020. Các khoản vốn đã chuyển ra nước ngoài, khi được thu hồi và chuyển về nước thì không tính vào vốn đã chuyển ra nước ngoài.
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài được quy định tại Điều 56 Luật Đầu tư 2020 như sau:
- Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
+ Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
- Trừ các dự án đầu tư quy định nêu trên, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
+ Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
- Các dự án đầu tư không thuộc trường hợp theo quy định nêu trên không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.