Tải app trên IOS

Hệ thống công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
12/02/2024 19:04 PM

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là gì? Hệ thống công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở như thế nào? - Ngọc Anh (Tây Ninh)

Hệ thống công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở mới nhất

Hệ thống công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là gì?

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là một cấp trong hệ thống tổ chức công đoàn, trực tiếp thực hiện quyền công nhận công đoàn cơ sở, chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở và liên kết công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

2. Hệ thống công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở mới nhất

Hệ thống công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo Mục 14 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 như sau:

(1) Liên đoàn lao động cấp huyện

- Liên đoàn lao động cấp huyện do liên đoàn lao động cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc giải thể, theo đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Đối tượng tập hợp của liên đoàn lao động huyện là đoàn viên, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cấp huyện, trừ đoàn viên, người lao động đã phân cấp cho công đoàn ngành địa phương; công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn tổng công ty và công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn cấp trên khác.

- Liên đoàn lao động cấp huyện quyết định công nhận, thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp các công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở trên địa bàn theo phân cấp của liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; phối hợp chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn tổng công ty nhà nước trên địa bàn cấp huyện.

(2) Công đoàn ngành địa phương

- Công đoàn ngành địa phương do liên đoàn lao động cấp tỉnh quyết định thành lập khi có ít nhất 2.000 đoàn viên và 15 công đoàn cơ sở trực thuộc và phải có công đoàn ngành trung ương tương ứng để phối hợp chỉ đạo hoạt động theo ngành, nghề. Đối với công đoàn ngành giáo dục, y tế, viên chức, không áp dụng tiêu chí số lượng đoàn viên.

- Đối tượng tập hợp của công đoàn ngành địa phương là đoàn viên, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo ngành, nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố, trừ đoàn viên, người lao động đã được phân cấp cho liên đoàn lao động cấp huyện; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; công đoàn tổng công ty và công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn cấp trên khác.

- Công đoàn ngành địa phương quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp các công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo phân cấp của liên đoàn lao động tỉnh, thành phố.

- Công đoàn viên chức tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tương đương công đoàn ngành địa phương.

(3) Công đoàn các khu công nghiệp

- Công đoàn các khu công nghiệp gồm cả khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, do liên đoàn lao động cấp tỉnh quyết định thành lập khi có ít nhất 2.000 đoàn viên và 15 công đoàn cơ sở đang hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp).

- Đối tượng tập hợp của công đoàn các khu công nghiệp là đoàn viên, người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động được cấp phép hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trừ đoàn viên, người lao động thuộc công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty nhà nước.

- Công đoàn các khu công nghiệp quyết định công nhận, thành lập hoặc giải thể và trực tiếp chỉ đạo công đoàn cơ sở trực thuộc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

- Trường hợp địa phương chưa thành lập công đoàn các khu công nghiệp thì liên đoàn lao động cấp tỉnh phân cấp cho công đoàn cấp trên khác tập hợp đoàn viên, người lao động và trực tiếp chỉ đạo công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp.

(4) Công đoàn tổng công ty

- Công đoàn tổng công ty (bao gồm các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - con) được thành lập công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi có ít nhất 2.000 đoàn viên và 15 công đoàn cơ sở theo đơn vị sử dụng lao động trực thuộc tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Đối tượng tập hợp của công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước là đoàn viên và người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động thuộc tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Tổng công ty do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập thì công đoàn tổng công ty do liên đoàn lao động tỉnh, thành phố thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

- Tổng công ty do bộ, ngành trung ương thành lập thì công đoàn tổng công ty do công đoàn ngành trung ương thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

- Tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập thì công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập và chỉ đạo trực tiếp hoặc phân cấp cho công đoàn ngành trung ương.

- Trường hợp tổng công ty nhà nước không đủ số lượng đoàn viên, công đoàn cơ sở hoặc do tổng công ty được sắp xếp lại (chuyển đổi hình thức sở hữu, bán, khoán, cho thuê) mà số đoàn viên thấp hơn mức quy định trên thì công đoàn cấp trên thực hiện các thủ tục hạ cấp thành công đoàn cơ sở hoặc giải thể và bàn giao các công đoàn cơ sở, đoàn viên về địa phương hoặc công đoàn cấp trên khác trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động.

(5) Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác

- Các cơ quan, đơn vị gồm đại học quốc gia, đại học vùng; cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ, các tổng cục, viện nghiên cứu; cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, ở trung ương, thành lập công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi có ít nhất 1.500 đoàn viên và 15 công đoàn cơ sở, do công đoàn ngành trung ương quyết định thành lập hoặc giải thể và trực tiếp quản lý, chỉ đạo.

- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo điểm a nêu trên được quyết định thành lập, giải thể và trực tiếp chỉ đạo công đoàn cơ sở trực thuộc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với loại hình công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ và Mục 13 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020.

- Khi công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không đủ điều kiện nêu tại điểm a thì công đoàn ngành trung ương thực hiện sắp xếp lại theo hình thức hạ cấp thành công đoàn cơ sở có công đoàn cơ sở thành viên hoặc giải thể công đoàn cấp trên trực tiếp, chuyển các công đoàn cơ sở và đoàn viên về công đoàn ngành trung ương trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động.

(6) Trước khi thành lập mới hoặc nâng cấp công đoàn cơ sở thành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và hạ cấp hoặc giải thể công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương xây dựng đề án trình xin ý kiến Tổng Liên đoàn và phải được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

(7) Cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không thành lập đầu mối ban chuyên trách tham mưu, giúp việc mà phân công cán bộ, nhân viên chuyên trách công đoàn, các ủy viên ban thường vụ, ban chấp hành thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc ban thường vụ, ban chấp hành và hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động công đoàn cơ sở.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,337

Bài viết về

Công đoàn

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]