Hạn nộp thông báo tình hình biến động lao động tháng 01/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ khoản 6 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, một trong những trách nhiệm của người sử dụng lao động là thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động làm việc tại đơn vị theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra tại Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định về thông báo tình hình biến động lao động như sau:
- Đối với các đơn vị mới thành lập thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về số lao động làm việc tại đơn vị
- Trước ngày 03 hằng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
- Trường hợp, người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Như vậy, trước ngày 03/02/2024 người sử dụng lao động phải nộp thông báo về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có, trường hợp giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay.
Mẫu thông báo tình hình biến động lao động tháng 01/2024 là Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.
Mẫu số 29 |
Ghi chú:
- Nội dung thông tin về “Trình độ chuyên môn kỹ thuật” trong Mục II, Mục III, Mục IV, Mục V
“8a”: Công nhân kỹ thuật không bằng
“8b”: Chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng
“8c”: Sơ cấp từ 3 tháng đến dưới 12 tháng
“8d”: Trung cấp
“8đ”: Cao đẳng
“8e”: Đại học trở lên
- Nội dung thông tin về “Loại HĐLĐ/HĐLV” trong trong Mục II, Mục III, Mục IV, Mục V
“9a”: HĐLĐ/HĐLV không xác định thời hạn
“9b”: HĐLĐ/HĐLV có xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng
“9c”: HĐLĐ/HĐLV từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
“9d”: HĐLĐ/HĐLV dưới 03 tháng
Theo khoản 3 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
- Một số trường hợp báo tăng lao động:
+ Ký hợp đồng lao động với nhân viên mới.
+ Người lao động đi làm trở lại sau khi nghỉ không lương 14 ngày làm việc trở lên/tháng.
+ Người lao động đi làm trở lại sau thời gian nghỉ ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trong tháng.
+ Người lao động quay lại làm việc sau thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động….
- Một số trường hợp báo giảm lao động:
+ Chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
+ Khi người lao động nghỉ ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc/tháng.
+ Người lao động xin nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc/tháng;
+ Tạm hoãn hợp đồng lao động…