Nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
17/10/2023 08:01 AM

Nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập gồm những gì? – Bảo Yến (Nam Định)

Nhiệm vụ của đảng bộ chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập

Nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 10/10/2023, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 125-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập.

1. Chức năng của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập

Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và viên chức, người lao động; xây dựng đảng bộ, chi bộ và đơn vị trong sạch, vững mạnh.

2. Nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập

Nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

(1) Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh

- Lãnh đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, công tác chuyên môn của đơn vị đảm bảo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động.

- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động nêu cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới lề lối, phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở ở đơn vị, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

- Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn của đơn vị. Nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức xây dựng nội bộ, bảo vệ tài sản của Nhà nước, đơn vị, Nhân dân.

(2) Lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng

- Chú trọng công tác chính trị, tư tưởng, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lãnh đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động; phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ, hợp tác và giúp đỡ nhau; kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động.

- Thường xuyên phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, nhiệm vụ của đơn vị để cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động nắm vững, chấp hành; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên.

- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

(3) Lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ

- Lãnh đạo thực hiện chủ trương về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng, thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của đơn vị.

- Lãnh đạo công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; nhận xét, đánh giá; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật. Quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ giỏi có năng lực nổi trội, đạo đức tốt.

- Đề xuất, kiến nghị cấp trên xem xét, quyết định các vấn đề về tổ chức và cán bộ của đơn vị theo thẩm quyền.

(4) Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhất là, các chủ trương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trách nhiệm nêu gương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm.

- Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Xem xét thi hành kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời.

(5) Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội

- Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả nghị quyết và điều lệ của mỗi tổ chức; phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên, người lao động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

- Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên nắm bắt, lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, người lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát.

- Định kỳ (6 tháng, 1 năm) hoặc đột xuất cấp ủy làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội để nắm tình hình hoạt động và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo.

(6) Lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng, đảng viên

- Đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; chủ động đấu tranh và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy.

- Giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; tạo điều kiện để đảng viên nâng cao trình độ về mọi mặt.

- Tăng cường công tác quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cụ thể và tạo điều kiện cho đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao; đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Làm tốt công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng phát triển đảng viên từ đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, quần chúng ưu tú.

- Xây dựng cấp ủy có đủ phẩm chất, năng lực, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên. Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) ở nơi có hội đồng quản lý (hội đồng trường); bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị.

- Tổ chức cơ sở đảng ở đơn vị sự nghiệp công lập có từ 200 đảng viên trở lên được bố trí cán bộ chuyên trách trong tổng số biên chế được giao theo quy định của Ban Bí thư về Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng. Số lượng cụ thể do cấp ủy và lãnh đạo đơn vị quyết định. Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính được tự quyết định số lượng cán bộ chuyên trách công tác đảng phù hợp với điều kiện của đơn vị.

- Định kỳ hằng năm, cấp ủy lấy ý kiến của quần chúng tham gia góp ý về kết quả lãnh đạo của cấp ủy, thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu đơn vị.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,872

Bài viết về

lĩnh vực Đảng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn