Điều kiện với cơ sở sản xuất và sơ chế rau, quả, chè búp tươi (QCVN 01-132:2013/BNNPTNT)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
09/10/2023 11:14 AM

Cho tôi hỏi điều kiện với cơ sở sản xuất và sơ chế rau, quả, chè búp tươi được quy định thế nào? - Mỹ Châu (Long An)

Điều kiện với cơ sở sản xuất và sơ chế rau, quả, chè búp tươi (QCVN 01-132:2013/BNNPTNT)

Điều kiện với cơ sở sản xuất và sơ chế rau, quả, chè búp tươi (QCVN 01-132:2013/BNNPTNT) (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều kiện với cơ sở sản xuất rau, quả, chè búp tươi 

Điều kiện với cơ sở sản xuất rau, quả, chè búp tươi theo QCVN 01-132:2013/BNNPTNT như sau:

* Điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất và nhân lực

- Địa điểm sản xuất:

+ Không trái với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương (trừ rau mầm và nấm).

+ Không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây ô nhiễm sản phẩm như: mùi, khói, bụi, chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sinh hoạt khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang.

+ Đường dẫn đến địa điểm sản xuất và đường nội đồng đáp ứng việc đi lại, vận chuyển vật tư, sản phẩm và không gây ô nhiễm cho quá trình sản xuất.

+ Nơi bảo quản, xử lý phân bón, tàn dư thực vật và nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ pha, bình bơm được che nắng mưa, cách ly với khu vực chứa sản phẩm, nguồn nước tưới. Đối với nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật phải được khóa cẩn thận, không để thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng phía trên thuốc dạng bột.

+ Có bể hoặc dụng cụ chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Bể hoặc dụng cụ chứa phải có đáy, mái che, đảm bảo không cho thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư phát tán ra bên ngoài.

+ Đối với rau mầm: nơi sản xuất có mái che; không sản xuất trực tiếp trên nền đất, có biện pháp phòng trừ côn trùng và động vật gây hại.

+ Đất canh tác và giá thể

++ Hàm lượng các kim loại nặng trong đất, giá thể không vượt quá giá trị quy định tại Phụ lục 1 QCVN 01-132:2013/BNNPTNT.

++ Trường hợp đất có chứa kim loại nặng vượt giá trị tối đa cho phép thì phải có biện pháp cải tạo đất hoặc lựa chọn loài cây trồng, biện pháp canh tác phù hợp và phân tích mẫu sản phẩm; nếu mức độ ô nhiễm của sản phẩm trong giới hạn cho phép thì được chấp nhận đủ điều kiện sản xuất đối với loài cây trồng được lấy mẫu phân tích.

+ Nước tưới:

++ Hàm lượng các kim loại nặng, vi sinh vật gây hại trong nước tưới không vượt quá giá trị quy định tại Phụ lục 2 QCVN 01-132:2013/BNNPTNT.

++ Trường hợp nước có chứa kim loại nặng, vi sinh vật gây hại vượt giá trị tối đa cho phép thì phải có biện pháp cải tạo nước tưới hoặc lựa chọn loài cây trồng, biện pháp canh tác phù hợp và phân tích mẫu sản phẩm; nếu mức độ ô nhiễm của sản phẩm trong giới hạn cho phép thì được chấp nhận đủ điều kiện sản xuất đối với loài cây trồng được lấy mẫu phân tích.

++ Đối với sản xuất rau mầm, nước tưới phải đạt chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

+ Có quy định về vệ sinh cá nhân trong khu vực sản xuất; trường hợp có nhà vệ sinh trong khu vực sản xuất thì phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh theo QCVN 01:2011/BYT ngày 24/6/2011 của Bộ Y tế.

+ Yêu cầu về lao động

Chủ cơ sở và người lao động trực tiếp có Chứng chỉ tập huấn về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, quả, chè búp tươi do cơ sở được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ hoặc cơ sở có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, tập huấn cấp.

* Điều kiện trong quá trình sản xuất:

- Giống, gốc ghép

+ Sử dụng giống có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đang có hiệu lực hoặc giống địa phương, giống cây trồng bản địa đã được sản xuất, tiêu dùng, không gây độc cho người.

+ Hạt giống, cây giống, gốc ghép sử dụng có nguồn gốc rõ ràng.

- Phân bón

+ Sử dụng phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đang có hiệu lực.

+ Phân bón sử dụng có nguồn gốc rõ ràng.

+ Không được sử dụng trực tiếp phân tươi (chất thải của người, động vật). Trường hợp sử dụng các loại phân này phải được xử lý hoai mục và đảm bảo vệ sinh môi trường.

+ Các dụng cụ, nơi phối trộn và lưu giữ phân bón sau khi sử dụng được vệ sinh thường xuyên.

- Thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất khác

+ Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đang có hiệu lực.

+ Dụng cụ pha, bình bơm phun thuốc bảo đảm an toàn và được vệ sinh thường xuyên.

+ Phải mua thuốc bảo vệ thực vật từ các cửa hàng được phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

+ Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc; đúng cách.

+ Thuốc bảo vệ thực vật phải giữ nguyên trong bao bì, thùng chứa chuyên dụng với nhãn mác rõ ràng. Nếu đổi sang bao bì, thùng chứa khác, phải ghi rõ đầy đủ tên hóa chất, hướng dẫn sử dụng như bao bì, thùng chứa hóa chất gốc.

+ Thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng phải ghi chép, ký hiệu để theo dõi và lưu giữ tại nơi an toàn cho đến khi xử lý theo quy định của nhà nước.

+ Các loại nhiên liệu, xăng, dầu và hóa chất khác cần được lưu trữ riêng nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm

- Thu hoạch

+ Dụng cụ thu hoạch, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải phù hợp quy định tại QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYTQCVN 12-3:2011/BYT của Bộ Y tế.

+ Thiết bị, dụng cụ thu hoạch phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.

+ Thu hoạch sản phẩm đúng thời gian cách ly theo hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

+ Sản phẩm sau thu hoạch không được để tiếp xúc trực tiếp với đất.

+ Phương tiện vận chuyển cần được làm sạch trước khi vận chuyển sản phẩm. Không vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm.

+ Chăn thả vật nuôi

Không thả rông vật nuôi trong vùng sản xuất. Nếu chăn nuôi thì phải có chuồng trại và biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm cho khu vực sản xuất và sản phẩm sau thu hoạch.

- Xử lý chất thải

+ Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom thường xuyên, xử lý, tiêu hủy theo quy định Nhà nước.

+ Các chất thải khác trong quá trình sản xuất phải được thu gom, đưa ra khỏi khu vực sản xuất hoặc xử lý thường xuyên, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm ở khu vực sản xuất, nguồn nước và sản phẩm.

- Quy trình sản xuất

Có quy trình sản xuất với các biện pháp kỹ thuật cụ thể phù hợp với từng loại, nhóm cây trồng và các quy định tại QCVN 01-132:2013/BNNPTNT.

- Hồ sơ lưu trữ

Thông tin cần ghi chép và lưu giữ tối thiểu 01 năm, tính từ ngày thu hoạch để truy xuất nguồn gốc gồm:

+ Giống, gốc ghép: tên giống, nơi sản xuất, hóa chất xử lý và mục đích xử lý (nếu có).

+ Phân bón: tên phân bón, nơi sản xuất, thời gian sử dụng, liều lượng, phương pháp bón, thời gian cách ly.

+ Thuốc bảo vệ thực vật: tên dịch hại, tên thuốc, nơi mua, thời gian sử dụng, nồng độ, liều lượng, dụng cụ phun, người phun thuốc, thời gian cách ly.

+ Sản phẩm: tên sản phẩm, ngày thu hoạch, mã số lô, khối lượng, tên và địa chỉ khách hàng.

- Kiểm soát, đánh giá

Cơ sở sản xuất phải có quy định nội bộ, trong đó phân công rõ trách nhiệm duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thực hiện đánh giá và lập báo cáo đánh giá nội bộ ít nhất mỗi năm một lần.

2. Điều kiện với cơ sở sơ chế rau, quả, chè búp tươi

Điều kiện với cơ sở sơ chế rau, quả, chè búp tươi theo QCVN 01-132:2013/BNNPTNT như sau:

* Điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, nhân lực

- Địa điểm

+ Bố trí ở vị trí thuận tiện về giao thông, có khả năng thoát nước tốt.

+ Không bị ảnh hưởng bởi các các nguồn gây ô nhiễm: khói, bụi, chất độc hại từ hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sinh hoạt khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang hoặc các khu vực ô nhiễm khác.

- Nhà xưởng

+ Diện tích phù hợp với nhu cầu và công suất của cơ sở.

+ Khu vực sơ chế phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng để tránh lây nhiễm chéo.

+ Sàn nhà: Có bề mặt cứng, bền vững, làm bằng các vật liệu không thấm nước, không trơn, dễ làm vệ sinh và không đọng nước.

+ Tường nhà: kín, không ngấm nước, dễ làm vệ sinh, tránh sự xâm nhập của động vật gây hại.

+ Mái và trần nhà: kín, không thấm dột, hạn chế tích tụ và rơi vãi bụi bẩn.

+ Cửa ra vào và cửa sổ: kín, dễ dàng làm vệ sinh, khử trùng.

+ Khu vực sơ chế phải đảm bảo đủ ánh sáng. Đèn chiếu sáng được lắp đặt chụp bảo vệ an toàn.

- Nước

+ Hệ thống cấp nước, các vật dụng để chứa nước được làm bằng các vật liệu thích hợp không gây ô nhiễm nước dùng để sơ chế.

+ Nước sơ chế phải đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

- Thu gom và xử lý chất thải

+ Có dụng cụ thu gom, chứa chất thải, rác thải đảm bảo bền, kín, có nắp đậy.

+ Có hệ thống thoát nước thải đảm bảo vệ sinh và bảo vệ môi trường.

- Vệ sinh cá nhân

+ Có chỗ rửa tay phù hợp, có nước sạch, chất tẩy rửa, khăn hoặc giấy lau tay.

+ Có nhà vệ sinh tự hoại theo QCVN 01:2011/BYT ngày 24/6/2011 của Bộ Y tế.

- Thiết bị, dụng cụ sơ chế rau, quả

+ Có các bồn rửa, giá để rau, quả, khay đựng, rổ rá, bàn sơ chế, bàn để sản phẩm, dụng cụ cắt tỉa sản phẩm. Tùy theo yêu cầu sơ chế, có máy sục ô-zôn và các vật dụng cần thiết khác.

+ Các dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với rau, quả tươi phải làm bằng vật liệu đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh quy định tại QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYTQCVN 12-3:2011/BYT của Bộ Y tế. Các thiết bị, dụng cụ khác phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sơ chế.

- Yêu cầu về lao động như quy định tại mục 2.1.1.9 QCVN 01-132:2013/BNNPTNT và có trang phục bảo hộ lao động phù hợp cho người lao động. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất có Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.

* Điều kiện trong quá trình sơ chế

- Rau, quả tươi đưa vào sơ chế được sản xuất phù hợp với các điều kiện quy định tại mục 2.1 QCVN 01-132:2013/BNNPTNT.

- Trong quá trình sơ chế, phải đảm bảo các yêu cầu:

+ Có biện pháp cách ly gia súc, gia cầm, các loại sinh vật khác với khu vực sơ chế, nhà bảo quản sản phẩm;

+ Sơ chế sản phẩm theo nguyên tắc một chiều không gây nhiễm bẩn;

+ Chỉ sử dụng hóa chất, màng sáp được phép sử dụng để xử lý sản phẩm sau thu hoạch;

+ Có cảnh báo tại nơi đặt/ sử dụng bẫy để phòng trừ dịch hại (nếu có dùng);

+ Vật liệu bao gói, chứa đựng rau, quả phải phù hợp quy định tại QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYTQCVN 12-3:2011/BYT của Bộ Y tế;

+ Sản phẩm rau, quả an toàn trước khi lưu thông phải có bao gói, thùng chứa hoặc dây buộc bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định;

+ Các chất thải trong quá trình sơ chế phải được thu gom và xử lý bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm ở khu vực sản xuất, nguồn nước và sản phẩm.

- Quy trình sơ chế

Có các quy trình kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế và sản phẩm sau sơ chế, đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp với quy định của QCVN 01-132:2013/BNNPTNT.

+ Phương tiện vận chuyển cần được làm sạch trước khi vận chuyển sản phẩm. Không vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm.

+ Hồ sơ lưu trữ

Thông tin về sản phẩm cần ghi chép và lưu giữ tối thiểu 01 năm, kể từ ngày thu hoạch gồm:

++ Tên hoá chất, màng sáp, nơi mua, liều lượng sử dụng hóa chất trong quá trình sơ chế;

++ Tên sản phẩm, mã số lô, khối lượng, ngày thu hoạch, tên cơ sở sản xuất, tên và địa chỉ khách hàng.

+ Kiểm soát, đánh giá nội bộ

Cơ sở sơ chế phải thực hiện kiểm soát, đánh giá nội bộ như quy định tại mục 2.1.2.9 QCVN 01-132:2013/BNNPTNT.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,100

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn