TANDTC giải đáp 09 vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự trong công tác xét xử

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
07/10/2023 08:27 AM

Cho tôi hỏi Tòa án nhân dân tối cao đã có giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự trong công tác xét xử thế nào? - Quỳnh Trâm (TPHCM)

TANDTC giải đáp 09 vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự trong công tác xét xử (Hình từ Internet)

Ngày 03/10/2023, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 196/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến vướng mắc trong công tác xét xử.

TANDTC giải đáp 09 vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự trong công tác xét xử

Theo đó, 09 vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự trong công tác xét xử được Tòa án nhân dân tối cao giải đáp như sau:

(1) 

Vướng mắc:

Các đối tượng có hành vi lấn chiếm đất và đã xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trái phép trên đất lấn chiếm. Sau đó, có một số đối tượng khác đến tiếp tục lấn chiếm trên những phần đất này và có hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trái phép nêu trên. Hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép của các đối tượng trên có cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự không?

Giải đáp:

Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:

“Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ...”

Các đối tượng xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trái phép trên diện tích đất do Nhà nước quản lý là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó như thế nào và bằng biện pháp gì là thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Việc các đối tượng khác đến tiếp tục lấn chiếm trên những phần đất này và có hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trái phép nêu trên thì phạm tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

(2) 

Vướng mắc:

Bị cáo có hành vi nhờ người khác làm giả giấy đi đường, sau đó sử dụng giấy tờ giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật. Trường hợp này hành vi của bị cáo phạm hai tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” hay “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”?

Giải đáp:

Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Đây là hai tội danh độc lập được quy định trong cùng một điều luật. Nếu các hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành hai tội này thì bị cáo phải bị truy tố, xét xử với hai tội danh độc lập, sau đó tổng hợp hình phạt.

Trường hợp bị cáo không phải là người trực tiếp làm giả giấy đi đường mà chỉ có hành vi nhờ người khác làm giả giấy đi đường, sau đó sử dụng giấy đi đường để thực hiện hành vi trái pháp luật. Trường hợp này, bị cáo phạm tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, mà không cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

(3)

Vướng mắc:

Người phạm tội giả chữ ký của người sử dụng đất để thực hiện thủ tục xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp này, khi xét xử thì xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó như thế nào? Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hay tịch thu, tiêu hủy theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015?

Giải đáp:

Theo Giải đáp 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: 

“Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.”

Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, chỉ có thể bị hủy bỏ khi là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hoặc khi Tòa án giải quyết vụ việc dân sự hoặc bị thu hồi bởi chính cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai 2013

Do đó, trường hợp người phạm tội giả chữ ký của người sử dụng đất để thực hiện thủ tục xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này vào việc thực hiện hành vi phạm tội thì khi xét xử, Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó (bản chất là thu hồi giá trị pháp lý của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mà không tịch thu, tiêu hủy theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà các cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là tài liệu của vụ án và phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

(4) 

Vướng mắc:

Bị cáo sử dụng pháp nhân của Công ty để nhập khẩu hàng hóa theo loại hình nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thủ tục kê khai hải quan khi nhập khẩu là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi nhập hàng hóa là nguyên liệu về Việt Nam, bị cáo không tiến hành sản xuất để xuất khẩu theo quy định mà tự ý chuyển tiêu thụ nội địa, không khai báo với cơ quan chức năng. Hành vi của bị cáo phạm tội “Buôn lậu” hay tội “Trốn thuế”?

Giải đáp:

Khách thể của tội “Trốn thuế” là xâm phạm đến chế độ quản lý thuế của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể là ngân sách nhà nước bị thiệt hại do không thu được thuế, còn khách thể của tội “Buôn lậu” là xâm phạm trật tự quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý... Mặc dù, trong trường hợp này, khi nhập khẩu hàng hóa thì thủ tục kê khai hải quan là đúng quy định của pháp luật. 

Nhưng sau khi nhập khẩu, hàng hóa vẫn đang chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hải quan 2014, cơ quan thuế chưa quản lý. 

Việc bị cáo không tiến hành sản xuất để xuất khẩu theo quy định mà tự ý chuyển tiêu thụ nội địa, không thực hiện các thủ tục khai báo hải quan là vi phạm trình tự, thủ tục hải quan được quy định tại khoản 5 Điều 25 Văn bản hợp nhất Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan 24/VBHN-BTC ngày 11/7/2018 và quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 21 Văn bản hợp nhất Thông tư quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu 25/VBHN-BTC ngày 06/9/2018 của Bộ Tài chính. Như vậy, hành vi của bị cáo phạm tội “Buôn lậu” quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

(5)

Vướng mắc:

Bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, tiền cước viễn thông thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho Công ty, nhưng sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này, không nộp về cho Công ty. Hành vi của bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay tội “Tham ô tài sản”?

Giải đáp:

Bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ thu tiền của khách, có trách nhiệm và trực tiếp quản lý tiền cước điện thoại, tiền cước viễn thông thu được. Bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo không nộp về công ty mà chiếm đoạt số tiền này. Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 352, Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP thì hành vi của bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”.

(6)

Vướng mắc:

Chủ thể của tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” quy định tại Điều 209 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có bao gồm đối tượng là người thực hiện giao dịch mua, bán chứng khoán không?

Giải đáp:

Tại khoản 1 Điều 209 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:

“Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì...”.

Như vậy, chủ thể của tội phạm này là những người có trách nhiệm trong việc công bố thông tin về chứng khoán hoặc pháp nhân thương mại có trách nhiệm công bố thông tin về chứng khoán. Do đó, những người tham gia giao dịch mua, bán chứng khoán không phải là chủ thể của tội phạm này.

(7)

Vướng mắc:

Bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại, trong đó, Văn phòng Công chứng thực hiện việc công chứng đối với hợp đồng, giấy tờ, tài liệu (do bị cáo làm giả), tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự của Công chứng viên thì có buộc Công chứng viên chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho bị hại hay không?

Giải đáp:

Bị cáo thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của bị hại. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử không xem xét, xử lý hành vi vi phạm của Công chứng viên, nếu không có chứng cứ chứng minh Công chứng viên đồng phạm với bị cáo cũng như sử dụng số tiền bị cáo chiếm đoạt và Văn phòng Công chứng đã thực hiện công chứng theo quy định pháp luật, không thể biết được thủ đoạn gian dối của bị cáo để chiếm đoạt tiền của bị hại. 

Do đó, không thể buộc trách nhiệm liên đới của Công chứng viên phải bồi thường cho bị hại mà chỉ buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường (hoàn trả) số tiền đã chiếm đoạt của bị hại.

(8) 

Vướng mắc:

Nguyễn Văn A là người có quyền sử dụng thửa đất thổ cư tại phường X, quận Y, thành phố H. Năm 2017, A chuyển nhượng thửa đất trên cho anh Trần Văn B với giá 5 tỷ đồng, hợp đồng chuyển nhượng được công chứng theo đúng quy định của pháp luật, A đã nhận đủ tiền theo hợp đồng. Do bận công tác, anh B chưa nhận giấy tờ và nhờ A làm giúp thủ tục sang tên. 

Năm 2018, A lợi dụng việc anh B đi công tác xa, chủ động tìm gặp và bán thửa đất trên cho anh Hoàng Văn C với giá 3,5 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền cho A, anh C đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Khi anh C triển khai xây dựng công trình trên đất thì anh B phát hiện và làm đơn tố giác đến cơ quan điều tra. A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự; giá trị thửa đất được định giá là 4 tỷ đồng. Trường hợp này, việc xác định bị hại và tài sản chiếm đoạt là như thế nào?

Giải đáp:

Nguyễn Văn A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Bị hại là anh Hoàng Văn C vì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa A và anh B được xác lập trước và hợp pháp theo quy định tại Điều 117 và Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015 (Hợp đồng đã được công chứng, chứng thực, anh B đã thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền, A đã nhận đủ tiền). Việc A tiếp tục bán đất cho anh C là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của anh C. Do đó, tài sản bị chiếm đoạt là 3,5 tỷ đồng mà A đã nhận của anh C.

(9)

Bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được xác định như thế nào?

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài. “Ở nước ngoài” được hiểu là tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án thì bị cáo, bị hại, đương sự không có mặt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Để xác định “bị cáo, bị hại, đương sự hoặc tài sản liên quan đến vụ án ở nước ngoài” thì phải căn cứ vào vị trí địa lý của họ tại thời điểm giải quyết vụ án, cụ thể là:

- Bị cáo, bị hại, đương sự là người nước ngoài định cư, không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án;

- Bị cáo, bị hại, đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án;

- Bị cáo, bị hại, đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng đang ở nước ngoài vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án;

- Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án;

- Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Xem thêm Công văn 196/TANDTC-PC ban hành ngày 03/10/2023.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,751

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn