Thời hạn giải quyết tố cáo về đất đai là bao lâu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
31/08/2023 13:00 PM

Tôi muốn biết thời hạn giải quyết tố cáo về đất đai là bao nhiêu ngày? Trường hợp gia hạn quyết tố cáo về đất đai được quy định ra sao? – Diệp Anh (Vĩnh Long)

Thời hạn giải quyết tố cáo về đất đai là bao lâu?

Thời hạn giải quyết tố cáo về đất đai là bao lâu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau?

Theo Điều 205 Luật Đất đai 2013 thì cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai và việc giải quyết tố cáo này sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

1. Thời hạn giải quyết tố cáo về đất đai là bao lâu?

Thời hạn giải quyết tố cáo về đất đai sẽ được thực theo quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo 2018, cụ thể như sau:

(1) Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

(2) Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

(3) Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Để xác định thế nào là vụ việc phức tạp, vụ việc đặc biệt phức tạp thì cần dựa trên các tiêu chí sau đây:

- Đối với vụ việc phức tạp:

Vụ việc phức tạp là vụ việc có một trong các tiêu chí sau đây:

+ Tố cáo về một nội dung nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên;

+ Tố cáo có từ 02 nội dung phải xác minh trở lên;

+ Nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người;

+ Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài;

+ Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức;

+ Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau;

+ Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.

- Còn vụ việc đặc biệt phức tạp là vụ việc có từ 02 tiêu chí trở lên thuộc vụ việc phức tạp.

(Điều 3 Nghị định 31/2019/NĐ-CP)

2. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo về đất đai

Cụ thể tại Điều 9 Luật Tố cáo 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo về đất đai như sau:

2.1. Quyền của người tố cáo

Người tố cáo có các quyền sau đây:

- Thực hiện quyền tố cáo theo quy định Luật Tố cáo 2018;

- Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

- Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

- Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;

- Rút tố cáo;

- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

- Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2.2. Nghĩa vụ của người tố cáo

Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

- Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo 2018;

- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,301

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn