Sổ quản lý lao động được lập bằng hình thức nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
29/08/2023 13:02 PM

Tôi muốn biết người sử dụng lao động lập sổ quản lý lao động bằng hình thức nào và khi nào phải lập sổ này? – Minh Tuấn (Kiên Giang)

Sổ quản lý lao động được lập bằng hình thức nào?

Sổ quản lý lao động được lập bằng hình thức nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Sổ quản lý lao động được lập bằng hình thức nào?

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hoặc bản điện tử nhưng phải bảo đảm các thông tin cơ bản về người lao động, gồm:

- Họ tên;

- Giới tính;

- Ngày tháng năm sinh;

- Quốc tịch;

- Nơi cư trú;

- Số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

- Trình độ chuyên môn kỹ thuật;

- Bậc trình độ kỹ năng nghề;

- Vị trí việc làm;

- Loại hợp đồng lao động;

- Thời điểm bắt đầu làm việc;

- Tham gia bảo hiểm xã hội;

- Tiền lương;

- Nâng bậc, nâng lương;

- Số ngày nghỉ trong năm;

- Số giờ làm thêm;

- Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề;

- Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất;

- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và lý do.

Như vậy, sổ quản lý lao động được lập bằng 02 hình thức: bản giấy hoặc bản điện tử.

2. Khi nào người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động?

Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động ở nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)

Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

(Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019)

3. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

3.1. Quyền của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

- Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;

- Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

(Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019)

3.2. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Cụ thể tại Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động như sau:

- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

- Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

- Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;

- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,746

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn