Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được rút tiền ký quỹ khi nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/08/2023 16:01 PM

Xin cho tôi hỏi doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được rút tiền ký quỹ trong những trường hợp nào? - Quỳnh Mai (Hòa Bình)

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được rút tiền ký quỹ khi nào?

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được rút tiền ký quỹ khi nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được rút tiền ký quỹ khi nào?

Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính quyết định cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp không được cấp giấy phép;

- Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép;

- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng nhận ký quỹ khác;

- Doanh nghiệp gặp khó khăn, không đủ khả năng bồi thường cho người lao động, người sử dụng lao động do vi phạm quy định về dịch vụ việc làm sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày đến thời hạn bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm

Cụ thể tại các khoản 2 và 3 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm như sau:

- Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm:

+ Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp;

+ Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm tại ngân hàng nhận ký quỹ khác đối với trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP;

+ Báo cáo việc hoàn thành nghĩa vụ và văn bản chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ đối với trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP;

+ Phương án sử dụng số tiền rút từ tài khoản ký quỹ gồm lý do, mục đích rút tiền ký quỹ; danh sách người lao động, người sử dụng lao động, số tiền, thời gian, phương thức thanh toán đối với trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP.

- Hồ sơ rút tiền ký quỹ gửi ngân hàng nhận ký quỹ, gồm:

+ Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP;

+ Văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Mẫu số 07 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 23/2021/NĐ-CP;

Mẫu số 07

+ Chứng từ rút tiền ký quỹ theo quy định của ngân hàng nhận ký quỹ (nếu có).

3. Thủ tục rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm

Trình tự, thủ tục rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP như sau:

- Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận đủ hồ sơ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, xác thực hồ sơ, việc hoàn thành các nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ, phương án sử dụng tiền ký quỹ (nếu có), gửi doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ.

Trường hợp không đồng ý về việc rút tiền ký quỹ thì có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do;

- Sau khi có văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP tại ngân hàng nhận ký quỹ;

- Ngân hàng nhận ký quỹ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp, nếu đúng quy định thì ngân hàng nhận ký quỹ cho doanh nghiệp thực hiện rút tiền ký quỹ trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ rút tiền ký quỹ.

Trường hợp rút tiền ký quỹ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP thì việc thanh toán, bồi thường cho người lao động, người sử dụng lao động do ngân hàng nhận ký quỹ trực tiếp chi trả theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,437

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn