Ý kiến pháp lý là gì? Đối tượng nào được cấp ý kiến pháp lý?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
07/08/2023 18:30 PM

Xin cho tôi hỏi ý kiến pháp lý là gì? Bộ Tư pháp xem xét cấp ý kiến pháp lý đối với đối tượng nào? – Hoàng Giang (Vĩnh Long)

Ý kiến pháp lý là gì? Đối tượng nào được cấp ý kiến pháp lý?

Ý kiến pháp lý là gì? Đối tượng nào được cấp ý kiến pháp lý? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ý kiến pháp lý là gì?

Ý kiến pháp lý quy định tại Nghị định 51/2015/NĐ-CP là văn bản do Bộ Tư pháp cấp về tính hợp pháp của văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.

(Khoản 1 Điều 2 Nghị định 51/2015/NĐ-CP)

2. Đối tượng nào được cấp ý kiến pháp lý?

Theo Điều 5 Nghị định 51/2015/NĐ-CP, Bộ Tư pháp xem xét cấp ý kiến pháp lý đối với các văn bản mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên trong các trường hợp sau:

(1) Điều ước quốc tế về vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi; văn bản liên quan khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên (nếu có);

(2) Thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính;

(3) Văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh;

(4) Thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ;

(5) Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) (bao gồm hợp đồng dự án, văn bản bảo lãnh Chính phủ (nếu có), hợp đồng thuê đất và các văn bản khác liên quan đến dự án mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên);

(6) Các trường hợp đặc biệt khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

3. Điều kiện nào để Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý?

Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 7  Nghị định 51/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý thuộc đối tượng cấp ý kiến pháp lý theo quy định tại mục 2;

- Có hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đầy đủ theo đúng quy định tại Điều 12 Nghị định 51/2015/NĐ-CP và đã được làm rõ, chỉnh lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp quy định tại Điều 14 Nghị định 51/2015/NĐ-CP;

- Việc đàm phán, ký, phê duyệt hoặc phê chuẩn các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đã được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Các nội dung cơ bản của ý kiến pháp lý

Nội dung ý kiến pháp lý bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

- Các điều kiện, hoàn cảnh và giả định cần thiết để làm rõ mục đích và phạm vi ý kiến pháp lý;

- Đánh giá về tư cách pháp lý của bên Việt Nam trong việc ký hoặc ban hành văn bản;

- Đánh giá về thẩm quyền tham gia ký hoặc ban hành văn bản của bên Việt Nam;

- Đánh giá về việc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục đàm phán, ký, ban hành văn bản;

- Mục đích sử dụng ý kiến pháp lý và việc cung cấp ý kiến pháp lý cho các tổ chức, cá nhân khác.

Ngoài các nội dung nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể, ý kiến pháp lý có thể có các nội dung khác nhưng không trái với các nguyên tắc cấp ý kiến pháp lý được quy định tại Điều 3 Nghị định 51/2015/NĐ-CP.

Điều 3. Nguyên tắc cấp ý kiến pháp lý

1. Ý kiến pháp lý được cấp trên cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam tại thời điểm cấp.

2. Ý kiến pháp lý được cấp sau khi các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đã được ký, phê duyệt, phê chuẩn hoặc ban hành theo đúng quy định của pháp luật.

3. Ý kiến pháp lý không làm thêm, bớt, hoặc thay đổi các quyền và nghĩa vụ của các bên có được theo các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý hoặc theo pháp luật được áp dụng vào thời điểm cấp.

- Nội dung ý kiến pháp lý không đánh giá về các tình tiết, sự kiện hoặc các nội dung không liên quan trực tiếp tới pháp luật Việt Nam.

(Điều 10 Nghị định 51/2015/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,942

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn