Tải App trên Android

Thủ tục công bố đóng cảng, bến thủy nội địa

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
24/07/2024 18:45 PM

Bài viết sau có nội dung về thủ tục công bố đóng cảng, bến thủy nội địa được quy định trong Nghị định 08/2021/NĐ-CP.

Thủ tục công bố đóng cảng, bến thủy nội địa

Thủ tục công bố đóng cảng, bến thủy nội địa (Hình từ Internet)

1. Cảng thủy nội địa và bến thủy nội là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi khoản 5 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014) thì cảng thủy nội địa và bến thủy nội là:

- Cảng thủy nội địa là hệ thống công trình được xây dựng để phương tiện, tàu biển neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Cảng thủy nội địa có vùng đất cảng và vùng nước cảng.

Vùng đất cảng được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, lắp đặt thiết bị và công trình phụ trợ khác.

Vùng nước cảng được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu hạ tải, khu tránh bão;

Cảng thủy nội địa gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cảng hành khách, cảng chuyên dùng và được phân thành cảng loại I, loại II, loại III.

- Bến thủy nội địa là công trình độc lập có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Bến thủy nội địa gồm bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông, bến chuyên dùng.

2. Thủ tục công bố đóng cảng, bến thủy nội địa

Thủ tục công bố đóng cảng, bến thủy nội địa được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 08/2021/NĐ-CP như sau;

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an yêu cầu đóng cảng, bến thủy nội địa phải thông báo đến người quản lý khai thác cảng, bến trước thời điểm dự kiến đóng cảng, bến thủy nội địa ít nhất 60 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 08/2021/NĐ-CP

Trong thông báo phải ghi rõ lý do đóng cảng, bến thủy nội địa. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người quản lý, khai thác cảng, bến có quyền kiến nghị, thỏa thuận về việc đóng cảng, bến thủy nội địa với cơ quan ra thông báo;

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chủ cảng, bến thủy nội địa gửi văn bản, đơn đề nghị đóng cảng, bến thủy nội địa đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 08/2021/NĐ-CP;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, đơn đề nghị của cơ quan, chủ cảng, bến quy định tại điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định 08/2021/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định công bố đóng cảng, bến thủy nội địa;

- Quyết định công bố đóng cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 08/2021/NĐ-CP;

Mẫu số 16

- Cơ quan ban hành quyết định công bố đóng cảng, bến thủy nội địa phải gửi quyết định đến chủ cảng, bến, Cảng vụ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cảng, bến thủy nội địa, tổ chức, cá nhân có liên quan và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 08/2021/NĐ-CP) trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký và xóa tên cảng, bến thủy nội địa trong danh bạ quản lý cảng, bến thủy nội địa.

3. Thủ tục tạm dừng hoạt động cảng, bến thủy nội địa

Theo khoản 7 Điều 24 Nghị định 08/2021/NĐ-CP thì thủ tục tạm dừng hoạt động cảng, bến thủy nội địa được quy định như sau:

- Người quản lý khai thác cảng, bến phải thông báo bằng văn bản gửi Cảng vụ về việc tạm dừng hoạt động của cảng, bến thủy nội địa trong các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định 08/2021/NĐ-CP;

- Khi nhận thông báo của người quản lý khai thác cảng trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 6 Điều 24 Nghị định 08/2021/NĐ-CP, Cảng vụ có trách nhiệm thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc tạm dừng hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;

- Khi nhận thông báo của người quản lý khai thác cảng, bến trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 6 Điều 24 Nghị định 08/2021/NĐ-CP, Cảng vụ có trách nhiệm gửi văn bản đến người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa yêu cầu dừng khai thác cảng, bến thủy nội địa để khắc phục hư hỏng, sự cố, đồng thời thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc tạm dừng hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;

- Cảng, bến thủy nội địa chỉ được tiếp tục hoạt động trở lại khi đã được khắc phục sự cố hoặc được loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn và được Cảng vụ xác nhận;

- Trường hợp công trình cảng hết thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa phải thực hiện kiểm định chất lượng công trình, thực hiện cải tạo, sửa chữa hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn, công năng sử dụng của công trình và đề nghị công bố hoạt động theo quy định tại Nghị định 08/2021/NĐ-CP.

Võ Tấn Đại

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,089

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]