Quy định về chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/07/2023 15:00 PM

Xin hỏi pháp luật hiện hành quy định về chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại như thế nào? - Nhược Lạc (Lâm Đồng)

Quy định về chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại

Quy định về chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại (Hình từ internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quy định về chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại

Căn cứ quy định tại Mục 5 Chương IV Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về chi phí thực hiện công việc thừa phát lại bao gồm:

* Căn cứ Điều 61 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu.

* Căn cứ Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự bao gồm:

- Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự do Tòa án, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại trong hợp đồng quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 08/2020/NĐ-CP trên cơ sở khung mức chi phí quy định tại Khoản 2 Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

- Khung mức chi phí tống đạt được quy định như sau:

+ Tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP;

+ Trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi phí tống đạt.

+Các chi phí nêu trên bao gồm: Chi phí phát sinh thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật áp dụng đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

+ Chi phí tống đạt quy định tại Khoản 2 Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP bao gồm cả việc thực hiện niêm yết công khai trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp mà theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật thi hành án dân sự phải niêm yết công khai.

- Thanh toán chi phí tống đạt được thực hiện như sau:

+ Việc thanh toán chi phí tống đạt được thực hiện hàng tháng. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm lập và giao hóa đơn dịch vụ cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hóa đơn, chứng từ hợp lệ, các cơ quan trên có trách nhiệm hoàn tất thủ tục, hồ sơ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để kiểm soát thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại;

+ Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật đương sự phải chịu chi phí thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thu và chuyển số tiền đó cho Văn phòng Thừa phát lại. Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước chịu thi Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự chuyển cho Văn phòng Thừa phát lại;

+ Trong trường hợp chưa thu được tiền của đương sự tại thời điểm thanh toán theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì cơ quan thi hành án dân sự tạm ứng trước kinh phí để thanh toán cho Văn phòng Thừa phát lại từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm đôn đốc thu hồi khoản tiền tống đạt mà đương sự phải nộp để hoàn trả cho ngân sách nhà nước;

+ Trong trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự, nếu vụ việc được ủy thác thì cơ quan thi hành án dân sự đã chuyển giao giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho Thừa phát lại tống đạt phải thanh toán chi phí tống đạt đã thực hiện. Trường hợp đương sự phải chịu chi phí tống đạt nhưng chưa thu được thì cơ quan thi hành án dân sự ủy thác phải có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác thu hồi chi phí tống đạt của đương sự;

+ Kho bạc Nhà nước kiểm soát thanh toán chi phí tống đạt theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, căn cứ vào khối lượng công việc của năm trước, mức chi phí quy định tại Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP và công việc dự kiến thực hiện cho năm kế hoạch, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự lập dự toán kinh phí tống đạt để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan mình gửi cơ quan cấp trên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó tách riêng làm 02 phần:

+ Kinh phí tống đạt trong trường hợp ngân sách nhà nước chi trả;

+ Kinh phí tạm ứng trong trường hợp đương sự phải chi trả.

* Căn cứ Điều 63 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài là chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

* Căn cứ Điều 64 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án bao gồm:

- Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.

- Văn phòng Thừa phát lại quy định và phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính.

+ Trên cơ sở chi phí đã niêm yết, người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận thêm về chi phí thực hiện theo công việc hoặc theo giờ làm việc và các khoản chi phí thực tế phát sinh bao gồm: Chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác (nếu có).

- Trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án mà phải tiến hành xác minh thì chi phí xác minh do Thừa phát lại và người yêu cầu thỏa thuận theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 Nghị định 08/2020/NĐ-CP hoặc được tính vào chi phí thi hành án dân sự quy định tại Điều 65 của Điều 63 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

* Căn cứ Điều 65 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về chi phí thi hành án dân sự thì đối với việc tổ chức thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự do pháp luật về phí, lệ phí quy định.

Những vụ việc phức tạp, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc.

Các quy định khác liên quan về chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại

- Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về những việc Thừa phát lại không được làm có bao gồm đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

- Theo Điểm b Khoản 1 và Điểm c, Điểm d Khoản 2 Điều 18 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại như sau:

+ Thu, quản lý, sử dụng chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật;

+ Niêm yết lịch làm việc, thủ tục, chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại, nội quy tiếp người yêu cầu tại trụ sở Văn phòng;

+ Thu đúng chi phí đã thỏa thuận với người yêu cầu.

- Theo Khoản 4 Điều 33 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng dịch vụ tống đạt bao gồm: Loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cần tống đạt; thời gian thực hiện hợp đồng; thủ tục tống đạt; quyền, nghĩa vụ của các bên; chi phí tống đạt.

+ Sau khi ký kết, hợp đồng dịch vụ tống đạt được gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự mở tài khoản để kiểm soát việc thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại.

Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 50 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án như sau trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, còn có các quy định khác về chi phí lập vi bằng tại Điểm c Khoản 1 Điều 38 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, chi phí cấp bản sao vi bằng tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Điểm d Khoản 2 Điều 44 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về chi phí xác minh khi thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án và tại Điểm d Khoản 1 Điều 54 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về chi phí, phương thức thanh toán khi thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,994

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn