Các địa điểm cấm hút thuốc lá (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012 như sau:
- Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:
+ Cơ sở y tế;
+ Cơ sở giáo dục, trừ các trường cao đẳng, đại học, học viện;
+ Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
+ Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
- Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:
+ Nơi làm việc;
+ Trường cao đẳng, đại học, học viện;
+ Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 11 và khoản 1 Điều 12 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012.
- Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm:
+ Ô tô;
+ Tàu bay;
+ Tàu điện.
- Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:
+Khu vực cách ly của sân bay;
+ Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;
+ Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
Lưu ý:
Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
- Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;
- Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
(Điều 11, Điều 12 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012)
Tại Điều 13 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định nghĩa vụ của người hút thuốc lá như sau:
- Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
- Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.
- Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẫu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
Theo Điều 31 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật;
+ Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
+ Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
+ Không có dụng cụ chứa mẫu, tàn thuốc lá;
+ Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;
+ Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Nguyễn Ngọc Quế Anh