Tải App trên Android

Cắt hộ khẩu có phải làm lại Căn cước công dân không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
26/06/2023 09:30 AM

Tôi cắt hộ khẩu khỏi nhà chồng thì cấn phải làm lại Căn cước công dân hay không? – Kim Thi (Đồng Nai)

Quy định về cắt hộ khẩu

Cắt hộ khẩu hay tách hộ là việc thực hiện xóa tên trong hộ khẩu hiện tại và đăng ký hộ khẩu mới.

Theo Điều 25 Luật Cư trú 2020, thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện:

Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;

Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 Luật Cư trú 2020.

Cắt hộ khẩu có phải làm lại Căn cước công dân không?

Cắt hộ khẩu có phải làm lại Căn cước công dân không? (Hình từ internet)

Cắt hộ khẩu khỏi nhà chồng có phải làm lại căn cước công dân không?

Theo Luật Căn cước công dân 2014 thì Căn cước công dân được đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;

- Thẻ Căn cước bị hư hỏng không sử dụng được;

- Thay đổi một trong các thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

- Khi xác định lại giới tính hoặc quê quán;

- Khi xảy có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

- Khi công dân có yêu cầu.

Căn cứ quy định trên, trường hợp cắt hộ khẩu khỏi nhà chồng thì không bắt buộc phải làm lại Căn cước công dân.

Lưu ý: Đối với trường hợp đang dùng Chứng minh nhân dân mà cắt hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác thì thuộc trường hợp phải đi đổi sang Căn cước công dân mới.

Cụ thể tại Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định các trường hợp phải đổi từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân gồm:

- Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp;

- Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Thay đổi đặc điểm nhận dạng;

- Bị mất Chứng minh nhân dân.

>> Xem thêm: 04 bước làm căn cước công dân

Thay đổi nơi thường trú không được cấp sổ hộ khẩu thì dùng gì thay thế?

Từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng. Khi thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin cư trú, người dân cũng sẽ không được cấp sổ hộ khẩu mới

Thay vào đó, theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP có quy định các loại giấy tờ dùng thay thế sổ hộ khẩu giấy gồm:

- Thẻ Căn cước công dân;

- Chứng minh nhân dân;

- Giấy xác nhận thông tin về cư trú;

- Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, 04 cách tra cứu thông tin công dân khi bỏ sổ hộ khẩu giấy bao gồm:

- Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

- Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

- Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;

- Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,759

Bài viết về

Giải đáp về Căn cước công dân gắn chíp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]