Vụ vợ mang thai 7 tháng bị chồng bạo hành: Bạo lực gia đình bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
26/05/2023 16:39 PM

Xin hỏi trong vụ người vợ mang thai 7 tháng bị chồng bạo hành ở Hải Dương, hành vi bạo lực gia đình của người chống bị xử lý thế nào? - Cẩm Hồng (Hưng Yên)

Bạo lực gia đình bị xử lý thế nào?

Bạo lực gia đình bị xử lý thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Những hình thức xử lý hành vi bạo lực gia đình

Căn cứ Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bị xử lý như sau:

Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị:

+ Xử lý vi phạm hành chính;

+ Xử lý kỷ luật;

+ Bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Ngoài ra, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi bạo lực gia đình

Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu;

+ Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu có.

Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi bạo lực gia đình

Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015), cụ thể:

- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Bên cạnh đó, hành vi bạo lực gia đình còn có thể cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác – được quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 02 năm đến 05 năm tù.

Được biết, theo kết quả giảm định tỉ lệ tổn thương cơ thể của chị Bùi Thị Tuyết G- vợ anh Trần Văn L là 29% do thường xuyên bị bạo hành bằng nhiều loại hung khí như: đầu kim loại của thắc lưng da, móc treo quần áo được hơ lửa, dây nồi cơm điện… trong tình trạng biết chị đang trong thời kỳ thai sản.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự quy định tình tiết phạm tội đối với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,051

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn