Xem xét, quyết định cho thôi giữ chức vụ với viên chức quản lý trong trường hợp nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/05/2023 16:21 PM

Cho tôi hỏi trong những trường hợp nào viên chức bị xem xét, quyết định cho thôi giữ chức vụ? - Huyền Trang (Ninh Thuận)

Xem xét, quyết định cho thôi giữ chức vụ với viên chức quản lý trong trường hợp nào?

Xem xét, quyết định cho thôi giữ chức vụ với viên chức quản lý trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Xem xét, quyết định cho thôi giữ chức vụ với viên chức quản lý trong trường hợp nào?

Theo khoản 1 Điều 54 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định việc xem xét, quyết định cho thôi giữ chức vụ đối với viên chức quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ quản lý;

- Do không đủ sức khỏe, hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao;

- Vì các lý do chính đáng khác của viên chức.

2. Các trường hợp viên chức quản lý không được thôi giữ chức vụ

Theo khoản 2 Điều 54 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định viên chức quản lý không được thôi giữ chức vụ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nếu thôi giữ chức vụ ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của Đảng và Nhà nước;

- Đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của Đảng và pháp luật.

3. Quy trình xem xét cho thôi giữ chức vụ đối với viên chức quản lý

Theo khoản 3 Điều 54 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định quy trình xem xét cho thôi giữ chức vụ viên chức quản lý bao gồm:

- Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận đơn xin thôi giữ chức vụ quản lý của viên chức, bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi viên chức đang công tác phải trao đổi với viên chức có đơn đề nghị thôi giữ chức vụ.

Trường hợp viên chức chức rút đơn thì dừng việc xem xét; trường hợp viên chức không rút đơn thì bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ xem xét, đề xuất với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

- Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ có văn bản đề xuất, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phải thảo luật, biểu quyết bằng phiếu kín.

Việc quyết định cho viên chức thôi giữ chức vụ quản lý phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định.

4. Hồ sơ xem xét cho viên chức thôi giữ chức vụ quản lý

Theo khoản 5 Điều 54 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ xem xét cho viên chức thôi giữ chức vụ quản lý bao gồm:

- Tờ trình của bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ;

- Các văn bản có liên quan: Quyết định, văn bản kết luận, ý kiến của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đơn đề nghị của viên chức;

- Biên bản hội nghị và biên bản kiểm phiếu.

5. Xem xét miễn nhiệm đối với viên chức quản lý trong các trường hợp nào?

Theo khoản 1 Điều 55 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định việc xem xét miễn nhiệm đối với viên chức quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

- Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;

- Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;

- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;

- Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

6. Quy trình xem xét miễn nhiệm đối với viên chức quản lý

Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định quy trình xem xét miễn nhiệm đối với viên chức quản lý bao gồm:

- Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với viên chức quản lý quy định tại khoản 1 Điều 55 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, người đứng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức hoặc bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ đề xuất với cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

- Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc miễn nhiệm, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm đối với viên chức phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,044

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]