Danh sách 09 Ủy ban của Quốc hội và các chủ nhiệm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
23/05/2023 16:01 PM

Ủy ban của Quốc hội gồm những Ủy ban nào? Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy ban của Quốc hội như thế nào? – Diễm Quỳnh (Đồng Tháp)

Danh sách 09 Ủy ban của Quốc hội và các chủ nhiệm (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Danh sách 09 Ủy ban của Quốc hội

09 Ủy ban của Quốc hội gồm:

- Ủy ban pháp luật.

- Ủy ban tư pháp.

- Ủy ban kinh tế.

- Ủy ban tài chính, ngân sách.

- Ủy ban quốc phòng và an ninh.

- Ủy ban văn hóa, giáo dục.

- Ủy ban xã hội.

- Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường.

- Ủy ban đối ngoại.

(Khoản 2 Điều 66 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, được sửa đổi bởi Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020)

2. Danh sách Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội

Ủy ban của Quốc hội

Chủ nhiệm

Ủy ban Pháp luật

Ông Hoàng Thanh Tùng

Ủy ban Tư pháp

Bà Lê Thị Nga

Ủy ban Kinh tế

Ông Vũ Hồng Thanh

Ủy ban Tài chính, ngân sách

Ông Lê Quang Mạnh

Ủy ban Quốc phòng và an ninh

Ông Lê Tấn Tới

Ủy ban Văn hóa, giáo dục

Ông Nguyễn Đắc Vinh

Ủy ban Xã hội

Bà Nguyễn Thúy Anh

Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường

Ông Lê Quang Huy

Ủy ban Đối ngoại

Ông Vũ Hải Hà

3. Cơ cấu tổ chức 09 Ủy ban của Quốc hội

- Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác.

- Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu.

Các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

- Thường trực Ủy ban của Quốc hội giúp Ủy ban của Quốc hội giải quyết các công việc thường xuyên của Ủy ban trong thời gian Ủy ban không họp.

Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội.

- Các Ủy ban của Quốc hội thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Ủy ban. Trưởng tiểu ban phải là thành viên của Ủy ban, các thành viên khác có thể không phải là thành viên của Ủy ban hoặc không phải là đại biểu Quốc hội.

(Điều 67 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, được sửa đổi bởi Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020)

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của 09 Ủy ban của Quốc hội

(1) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban pháp luật

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp;

Thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao;

Tẩm tra đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về luật, pháp lệnh;

Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua;

Thẩm tra kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc của đại biểu Quốc hội về văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp.

- Chủ trì thẩm tra đề án về thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác do Quốc hội thành lập; thẩm tra đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các biện pháp cần thiết nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

(Điều 70 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

(2) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban tư pháp

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

- Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.

- Thẩm tra đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị của Chủ tịch nước về việc đại xá.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác, các vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng.

(Điều 71 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

(3) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kinh tế

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

- Chủ trì thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; thẩm tra chính sách cơ bản về tiền tệ quốc gia.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh; chủ trì giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chính sách kinh tế.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh.

(Điều 72 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

(4) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban tài chính, ngân sách

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

- Thẩm tra chính sách cơ bản về tài chính quốc gia, việc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; chủ trì thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng quyết toán ngân sách nhà nước.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước.

(Điều 73 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

(5) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quốc phòng và an ninh

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

(Điều 74 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

(6) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban văn hóa, giáo dục

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng;

Giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tôn giáo, du lịch, thể thao trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

Giám sát việc thực hiện chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về phát triển văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

(Điều 75 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, được sửa đổi bởi Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020)

(7) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban xã hội

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

- Thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội;

Giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các chính sách, biện pháp để giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội.

(Điều 76 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, được sửa đổi bởi Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020)

(8) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai;

Giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách phát triển khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về phát triển khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

(Điều 77 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

(9) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban đối ngoại

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực đối ngoại của Nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

- Chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội; thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại; thẩm tra đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại;

Giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước;

Giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;

Giám sát hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại của các ngành và địa phương;

Giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách;

Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về chính sách đối ngoại của Nhà nước, về quan hệ với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực, các tổ chức quốc tế khác, về việc ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.

(Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,146

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]