Làm thế nào để giành lại quyền nuôi con sau ly hôn?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
17/04/2023 11:25 AM

Xin hỏi, cha/mẹ không được trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn muốn giành lại quyền nuôi con thì phải làm như thế nào? - Thanh Hùng (Đồng Nai)

Ai được quyền nuôi con khi vợ chồng ly hôn?

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì khi ly hôn, vợ chồng chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.

Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi theo nguyên tắc sau đây:

- Căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Làm thế nào để giành lại quyền nuôi con sau ly hôn

Làm thế nào để giành lại quyền nuôi con sau ly hôn? (Hình từ internet)

Không được cho gặp con sau khi ly hôn phải làm sao?

Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Tuy nhiên, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở, trừ trường hợp bị Tòa án hạn chế quyền thăm nom con theo quy định.

Người nào hạn chế quyền thăm gặp con của người không trực tiếp nuôi con thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 10 triệu đồng trừ trường hợp Tòa án hạn chế quyền thăm nôm của người không trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức sau đây, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

- Người thân thích;

- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

- Hội liên hiệp phụ nữ.

Như vậy, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là hoàn toàn có thể và được thực hiện khi có quyết định của Tòa án về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.

- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Tuy nhiên, trong trường hợp nếu con đã đủ 07 tuổi trở lên thì trước khi quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, Tòa án sẽ xem xét thêm nguyện vọng của con về vấn đề này.

Làm thế nào để giành lại quyền nuôi con sau ly hôn?

Khi muốn giành lại quyền trực tiếp nuôi con thì cha/mẹ (người không trực tiếp nuôi con) có thể nộp đơn khởi kiện giành lại quyền nuôi con đến Tòa án nhân dân cấp huyện (hoặc cấp tỉnh trong trường hợp có yếu tố nước ngoài) nơi người trực tiếp nuôi con cư trú để được giải quyết theo thẩm quyền.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

- Đơn khởi kiện về việc thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn;

- Bản án ly hôn (đối với trường hợp ly hôn đơn phương) hoặc Quyết định công nhận thuận tình ly hôn (đối với trường hợp ly hôn thuận tình);

- Bảo sao giấy khai sinh của con;

- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người khởi kiện;

- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh có căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện hợp lệ, Tòa án sẽ có thông báo để người khởi kiện nộp tạm ứng án phí. Khi đó người khởi kiện tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

Sau khi nhận biên lai tạm ứng án phí, Tòa án sẽ ra quyết định thụ lý vụ án và tiến hành giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,959

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]