Người thuê nhà có được đăng ký thường trú?
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020, người thuê nhà được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhà khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;
- Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.
Như vậy theo Luật Cư trú 2020, người thuê nhà sẽ được đăng ký thường trú nếu đáp ứng các điều kiện trên.
Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật. (Khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú 2020) |
Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người thuê nhà được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2020, cụ thể bao gồm các thành phần hồ sơ như sau:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú |
- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
* Lưu ý:
- Trường hợp người đăng ký thường trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
- Trường hợp người đăng ký thường trú là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng thì phải có giấy tờ, tài liệu khác chứng minh có quốc tịch Việt Nam và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an.
(Khoản 8, 9 Điều 21 Luật Cư trú 2020)
Người thuê nhà có thể thực hiện thủ tục đăng ký thường trú trực tiếp tại Công an cấp xã theo các bước sau đây:
- Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
- Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Công an cấp xã.
- Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (mẫu CT04 Thông tư 56/2021/TT-BCA) cho người đăng ký;
Phiếu tiếp nhận hồ sơ |
+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (mẫu CT05 Thông tư 56/2021/TT-BCA) cho người đăng ký;
Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ |
+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (mẫu CT06 Thông tư 56/2021/TT-BCA) cho người đăng ký.
Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ |
- Bước 4: Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định.
- Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).
Lưu ý:
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định hiện hành)
Xem thêm: Thủ tục đăng ký thường trú năm 2023.
Mức thu lệ phí đăng ký thường trú đối với người thuê nhà sẽ được thực hiện theo Biểu mức thu lệ phí đăng ký cư trú ban hành kèm theo Thông tư 75/2022/TT-BTC, cụ thể:
- Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký thường trú trực tiếp: Mức thu lệ phí là 20.000/lần đăng ký
- Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký thường trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến (online): Mức thu lệ phí là 10.000/lần đăng ký
Người thuê nhà được miễn lệ phí đăng ký thường trú nếu thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 4 Thông tư 75/2022/TT-BTC, cụ thể như sau:
- Trẻ em quy định tại Luật Trẻ em 2016; người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi 2009; người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật 2010.
- Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2020.
- Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo, công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
- Công dân từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mồ côi cả cha và mẹ.