Tiêu chí với người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
14/03/2023 16:31 PM

Cho tôi hỏi để được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) cần phải đáp ứng những điều kiện gì? – Quốc Bình (Tiền Giang)

Tiêu chí với người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP)

Tiêu chí với người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là gì?

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) theo Chương 2 Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 28/12/2022 là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97 và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.

2. Tiêu chí với người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP)

Tiêu chí với người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) theo quy định tại Chương 2 Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 28/12/2022:

- HIV âm tính;

- Không có triệu chứng của Hội chứng nhiễm HIV cấp;

- Có nguy cơ cao nhiễm HIV, cụ thể là có một trong các yếu tố dưới đây trong vòng 6 tháng qua:

+ Quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc âm đạo mà không sử dụng bao cao su với từ hai bạn tình trở lên;

+ Có bạn tình có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao nhiễm HIV hoặc không rõ yếu tố nguy cơ nhiễm HIV;

+ Có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV > 200 bản sao/mL hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV;

+ Có tiền sử mắc hoặc đang điều trị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục;

+ Đã từng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) và vẫn có hành vi nguy cơ cao;

+ Dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích;

+ Yêu cầu sử dụng PrEP.
- Mong muốn sử dụng PrEP và đồng ý xét nghiệm HIV định kỳ.

3. Cách xử trí một số tình huống đặc biệt khi sử dụng PrEP

Cách xử trí một số tình huống đặc biệt khi sử dụng PrEP theo quy định tại Chương 2 Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 28/12/2022 như sau:

* Phơi nhiễm với HIV trong vòng 72 giờ

Sử dụng PEP trong 28 ngày, sau đó bắt đầu dùng PrEP nếu khách hàng có HIV âm tính và tiếp tục có hành vi nguy cơ.

* Có Hội chứng nhiễm HIV cấp tính

- Trường hợp chưa điều trị PrEP: Trì hoãn PrEP; xét nghiệm lại HIV trong vòng 01 tháng trước khi bắt đầu PrEP.

- Trường hợp đang sử dụng PrEP: Nếu nghi ngờ nhiễm HIV cấp, cần ngừng PrEP, xét nghiệm HIV sau 01 tháng; tư vấn sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV khác.

* Sử dụng PrEP ở người chuyển giới nữ

- TDF không làm giảm nồng độ hoóc môn nữ; hoóc môn nữ có thể làm giảm nồng độ TDF nhưng không đáng kể nếu dùng PrEP hằng ngày.

- Người chuyển giới nữ có sử dụng hoóc môn nữ chỉ nên sử dụng PrEP hằng ngày để bảo đảm hiệu quả của TDF.

* Xử trí khi có kết quả xét nghiệm creatinin, HBsAg, HIV trong khi đang sử dụng PrEP

- Xét nghiệm creatinin: Người có độ thanh thải creatinin < 60 mL/phút: tiếp tục PrEP và xét nghiệm lại creatinine:

+ Nếu độ thanh thải creatinin ≥ 60 mL/phút tiếp tục PrEP.

+ Nếu độ thanh thải creatinin vẫn < 60 mL/phút, ngừng PrEP. Sau 1-3 tháng ngừng PrEP, nếu độ thanh thải creatinine ≥ 60 mL/phút thì có thể bắt đầu lại PrEP. Nếu creatinin vẫn không về bình thường, chuyển khám chuyên khoa để chẩn đoán và xử trí.

- Xét nghiệm HBsAg:

+ Trường hợp HBsAg âm tính: Tư vấn tiêm vắc xin phòng viêm gan B.

+ Trường hợp HBsAg dương tính: đánh giá chỉ định điều trị viêm gan B. Nếu khách hàng đủ tiêu chuẩn điều trị viêm gan B, tư vấn khách hàng điều trị phác đồ có TDF. Nếu khách hàng chưa đủ tiêu chuẩn điều trị viêm gan B, điều trị PrEP nhưng thận trọng nguy cơ bùng phát viêm gan B khi ngừng PrEP.

- Xét nghiệm HIV:

+ Người đang sử dụng PrEP có xét nghiệm HIV dương tính: chuyển điều trị ARV ngay. Có thể xét nghiệm kiểu gen HIV kháng thuốc và điều chỉnh phác đồ phù hợp nếu cần.

+ Xét nghiệm HIV âm tính: tiếp tục sử dụng PrEP.

* PrEP ở một số nhóm đối tượng đặc biệt

- Vị thành niên: Tư vấn tăng cường hỗ trợ về tuân thủ điều trị khi sử dụng PrEP.

- Phụ nữ mang thai/cho con bú: vẫn có chỉ định PrEP nếu có nguy cơ cao nhiễm HIV.

- Người tiêm chích ma túy: Ưu tiên sử dụng các biện pháp can thiệp giảm hại và dự phòng khác.

- Bạn tình/bạn chích âm tính của người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 2 và bậc 3 do thất bại điều trị hoặc nghi thất bại điều trị với phác đồ có TDF hoặc TDF/3TC: không nên chỉ định PrEP uống, tư vấn sử dụng các phương pháp dự phòng khác.

Võ Văn Hiếu

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,166

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn