04 nội dung phải công khai trong tuyển sinh vào Công an nhân dân (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
04 nội dung phải công khai trong tuyển sinh vào Công an nhân dân bao gồm:
- Quy định về chỉ tiêu, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển, phương thức tuyển sinh, ngành, chuyên ngành đào tạo, các môn thi tuyển sinh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thủ tục hồ sơ, mức thu dịch vụ tuyển sinh đối với các trình độ, loại hình đào tạo của các trường Công an nhân dân.
- Thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ, thời gian thi tuyển, xét tuyển, địa điểm thi tuyển, xét tuyển, thời gian chiêu sinh, nhập học, thông tin cán bộ tuyển sinh.
- Kết quả sơ tuyển, phúc tra sơ tuyển, điểm thi, điểm phúc khảo, điểm xét tuyển cho thí sinh; kết quả xét tuyển và thí sinh trúng tuyển (theo số báo danh).
- Các nội dung khác (nếu có) theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
(Điều 4 Thông tư 44/2021/TT-BCA)
Căn cứ đặc điểm, tính chất, độ mật, nội dung phải công khai, Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân sử dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:
- Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân (nếu có);
- Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo nói, báo viết, báo hình, báo điện tử;
- Thông báo bằng văn bản hành chính;
- Thông báo tại hội nghị cán bộ chủ chốt; hội nghị, giao ban đơn vị;
- Niêm yết tại trụ sở Công an các đơn vị, địa phương (từ cấp huyện trở lên), các trường Công an nhân dân;
- Trực tiếp thông tin cho cán bộ, chiến sĩ, công dân tham gia tuyển sinh và công dân cư trú trên địa bàn;
- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Thông tin về tuyển sinh vào Công an nhân dân được thông báo theo các hình thức trên ít nhất 30 ngày trước ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển.
(Điều 5 Thông tư 44/2021/TT-BCA)
Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong tuyển sinh vào Công an nhân dân được quy định tại Điều 3 Thông tư 44/2021/TT-BCA bao gồm:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Bộ Công an về tuyển sinh; thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển sinh vào Công an nhân dân, trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của Bộ Công an.
- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, đề cao trách nhiệm quản lý, điều hành của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và chịu trách nhiệm trước pháp luật, cấp trên về hoạt động của đơn vị.
- Nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà cho cán bộ, chiến sĩ và công dân có nguyện vọng tham gia tuyển sinh vào Công an nhân dân. Xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm quy định về tuyển sinh hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tuyển sinh vào Công an nhân dân.
- Phát huy vai trò chủ động kiểm tra, giám sát của tổ chức, cán bộ, chiến sĩ và công dân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh vào Công an nhân dân, tạo nguồn tuyển chọn công dân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu bổ sung, phát triển nguồn nhân lực trong Công an nhân dân và xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, tổ chức, công dân có nguyện vọng tham gia hoặc liên quan đến tuyển sinh vào Công an nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân trong thực hiện công khai, minh bạch tuyển sinh vào Công an nhân dân.
- Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và chống các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tuyển sinh vào Công an nhân dân.
(Điều 2 Thông tư 44/2021/TT-BCA)