Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
18/01/2023 10:15 AM

Tôi muốn hỏi cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia có các nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? - Hoàng Dũng (Bình Dương)

Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia là cơ quan nào?

Theo khoản 5 Điều 3 Luật An ninh Quốc gia 2004, cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và đơn vị nghiệp vụ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao nhiệm vụ chuyên trách làm tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.

2. Các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Cụ thể tại khoản 1 Điều 22 Luật An ninh Quốc gia 2004, các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm:

- Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị an ninh, tình báo, cảnh vệ Công an nhân dân;

- Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị bảo vệ an ninh quân đội, tình báo Quân đội nhân dân;

- Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

3.1. Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được quy định cụ thể tại Điều 23 Luật An ninh Quốc gia 2004 như sau:

- Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 14 Luật An ninh Quốc gia 2004.

+ Bảo vệ chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

+ Bảo vệ an ninh về tư tưởng và văn hoá, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

+ Bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia.

+ Bảo vệ bí mật nhà nước và các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.

+ Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại trừ các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia.

- Các nhiệm vụ cụ thể của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia:

+ Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và đề xuất các chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia;

+ Hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, tổ chức và công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn, xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc;

+ Tổ chức, chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

+ Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác bảo vệ an ninh quốc gia;

+ Thực hiện hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong phòng, chống hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

3.2. Quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Theo khoản 1 Điều 24 Luật An ninh Quốc gia 2004, cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia có các quyền sau đây:

- Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức tài chính, kho bạc, ngân hàng kiểm tra, phong toả tài khoản, nguồn tài chính liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, hải quan bóc mở hoặc giao thư tín, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá để kiểm tra khi có căn cứ xác định trong đó có thông tin, tài liệu, chất nổ, vũ khí, vật phẩm khác có nguy hại cho an ninh quốc gia;

- Kiểm tra phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, máy tính, mạng máy tính, đồ vật, tài liệu, hàng hoá, chỗ ở, nơi làm việc hoặc các cơ sở khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

- Trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra;

- Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hoặc các hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam khi có căn cứ xác định các hoạt động này gây nguy hại cho an ninh quốc gia;

Yêu cầu ngừng các chuyến vận chuyển bằng các loại phương tiện giao thông của Việt Nam hoặc các phương tiện giao thông của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm an toàn cho các phương tiện đó;

- Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,339

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn