Các trường hợp khiếu nại về lao động không được thụ lý giải quyết theo Nghị định 24

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
12/01/2023 10:29 AM

Tôi muốn biết khi nào việc khiếu nại về lao động không được thụ lý giải quyết theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP? - Thanh Ngân (Bình Dương)

Các trường hợp khiếu nại về lao động không được thụ lý giải quyết theo Nghị định 24

Các trường hợp khiếu nại về lao động không được thụ lý giải quyết theo Nghị định 24

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là khiếu nại về lao động?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, khiếu nại về lao động là việc người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc theo thủ tục quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Các trường hợp khiếu nại về lao động không được thụ lý giải quyết

Cụ thể tại Điều 9 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về các trường hợp khiếu nại về lao động không được thụ lý giải quyết bao gồm:

- Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

- Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp.

- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại.

-  Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

- Thời hiệu khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 7 đã hết mà không có lý do theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.

- Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày, kể từ ngày có văn bản thông báo người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại.

- Khiếu nại đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.

- Khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án.

3. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại về lao động

3.1. Quyền của người khiếu nại về lao động

(1) Người khiếu nại có các quyền được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác khiếu nại;

- Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;

- Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp nội dung thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu và giao cho người giải quyết khiếu nại để giải quyết khiếu nại; trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại;

- Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;

- Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm hại do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại;

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

- Rút khiếu nại theo quy định tại Điều 8 Nghị định 24/2018/NĐ-CP;

- Khiếu nại lần hai;

- Khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại (2).

(2) Quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án

- Người khiếu nại về lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong trường hợp sau đây:

+ Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

+ Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 23 Nghị định 24/2018/NĐ-CP;

+ Đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.

- Người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính trong trường hợp sau đây:

+ Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 31 Nghị định 24/2018/NĐ-CP;

+ Đã hết thời hạn quy định tại Điều 28 Nghị định 24/2018/NĐ-CP mà khiếu nại lần hai không được giải quyết.

(Khoản 2 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)

3.2. Nghĩa vụ của người kiến nại về lao động

Theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người khiếu nại về lao động có các nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện khiếu nại theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP;

- Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

- Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra các quy định trên, người khiếu nại thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,242

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn