Thủ tục cấp giấy CO ưu đãi mẫu RCEP

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
31/12/2022 15:42 PM

Xin hỏi là đối với mẫu giấy CO ưu đãi mẫu RCEP phải thực hiện theo thủ tục ra sao? - Bình Đức (TP.HCM)

Thủ tục cấp giấy CO ưu đãi mẫu RCEP (Hình từ Internet)

Hồ sơ cấp giấy CO ưu đãi mẫu RCEP

1. Hồ sơ đăng ký thương nhân 

Hồ sơ đăng ký thương nhân gồm:

(1) Đăng ký mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp C/O và con dấu của thương nhân (Mẫu số 01 Phụ lục Nghị định 31/2018/NĐ-CP);

(2) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có dấu sao y bản chính của thương nhân);

(3) Danh mục các cơ sở sản xuất của thương nhân (Mẫu số 02 Phụ lục Nghị định 31/2018/NĐ-CP);

(4) Đơn đề nghị thay đổi nơi cấp C/O (Mẫu số 03 Phụ lục Nghị định 31/2018/NĐ-CP).

2. Hồ sơ đề nghị cấp C/O

2.1. Hồ sơ đề nghị cấp C/O bao gồm:

*Đối với thương nhân đề nghị cấp C/O lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định, hồ sơ đề nghị cấp C/O gồm:

(1) Đơn đề nghị cấp C/O được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ (Mẫu số 04 Phụ lục Nghị định 31/2018/NĐ-CP); 

(2) Mẫu C/O RCEP đã được khai hoàn chỉnh (Phụ lục II Thông tư 32/2022/TT-BCT) và Mẫu Tờ khai bổ sung C/O (nếu có) (Phụ lục II Thông tư 32/2022/TT-BCT);

(3) Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Trường hợp hàng xuất khẩu không phải khai báo tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật sẽ không phải nộp bản sao tờ khai hải quan;

(4) Bản sao hóa đơn thương mại (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);

(5) Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn.

Thương nhân được xem xét không cần nộp chứng từ này trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác theo quy định của pháp luật hoặc thông lệ quốc tế;

(6) Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi theo mẫu tương ứng tại Thông tư 05/2018/TT-BCT;

(7) Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu do Bộ Công Thương quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác (Phụ lục X Thông tư 05/2018/TT-BCT);

(8) Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân). 

Trong trường hợp cần thiết, Tổ chức cấp C/O yêu cầu thương nhân đề nghị cấp C/O nộp bổ sung các chứng từ thương mại dưới dạng bản sao (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu hoặc nguyên liệu mua bán/sản xuất trong nước. 

2.2. Đối với thương nhân sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cố định, hồ sơ đề nghị cấp C/O gồm: 

- Trong lần đề nghị cấp C/O đầu tiên, hồ sơ bao gồm các chứng từ đã liệt kê tại mục 2.1;

- Từ lần đề nghị cấp C/O tiếp theo, hồ sơ chỉ cần chứng từ theo quy định từ (1) đến (5), mục 2.1.

Các chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp C/O nêu tại các điểm e, điểm g và điểm h, mục 2.1 có giá trị trong thời hạn 2 năm kể từ ngày thương nhân nộp cho Tổ chức cấp C/O.

Trong trường hợp có sự thay đổi liên quan các chứng từ này trong thời hạn 2 năm, thương nhân phải cập nhật cho Tổ chức cấp C/O.

2.3. Trong trường hợp chưa có các chứng từ nêu tại (3) đến (5) mục 2.1

Thương nhân đề nghị cấp C/O có thể được nợ các chứng từ này nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp C/O. Sau thời hạn này nếu thương nhân không bổ sung chứng từ, Tổ chức cấp C/O yêu cầu thu hồi hoặc hủy C/O theo quy định tại Điều 22 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi mẫu RCEP

Bước 1: Thương nhân khai báo hồ sơ đăng ký thương nhân lần đầu qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc nộp trực tiếp hồ sơ tại trụ sở của Tổ chức cấp C/O.

Bước 2: Thương nhân đính kèm hồ sơ đề nghị cấp C/O tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn; hoặc nộp trực tiếp hồ sơ đề nghị cấp C/O tại trụ sở của Tổ chức cấp C/O nơi thương nhân đã đăng ký hồ sơ thương nhân; hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện đến Tổ chức cấp C/O nơi thương nhân đã đăng ký hồ sơ thương nhân.

Bước 3: Tổ chức cấp C/O kiểm tra xem bộ hồ sơ có hợp lệ hay không và thông báo cho thương nhân một trong các nội dung sau:

- Chấp nhận cấp C/O và thời gian thương nhân sẽ nhận được C/O;

- Đề nghị bổ sung chứng từ (nêu cụ thể chứng từ cần bổ sung);

- Đề nghị kiểm tra lại chứng từ (nêu cụ thể thông tin cần kiểm tra nếu có bằng chứng cụ thể, xác thực làm căn cứ cho việc đề nghị kiểm tra này);

- Từ chối cấp C/O nếu phát hiện những trường hợp quy định tại Điều 21 Nghị định 31/2018/NĐ-CP;

- Đề nghị kiểm tra tại cơ sở sản xuất của thương nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 31/2018/NĐ-CP (nếu cần thiết).

Bước 4: Cán bộ Tổ chức cấp C/O kiểm tra thêm, nhập dữ liệu vào hệ thống máy tính và trình người có thẩm quyền ký cấp C/O. 

Bước 5: Người có thẩm quyền của Tổ chức cấp C/O ký cấp C/O. 

Bước 6: Cán bộ Tổ chức cấp C/O đóng dấu và trả C/O cho thương nhân. 

*Lệ phí: không

*Cách thức thực hiện

- Internet (thương nhân khai điện tử cho hồ sơ đề nghị cấp C/O);

- Trực tiếp tại trụ sở Tổ chức cấp C/O;

- Bưu điện.

*Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Bộ Công Thương

- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, các Phòng Quản lý Xuất Nhập khẩu khu vực 

- Cơ quan phối hợp (nếu có): Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Hải quan

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,128

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]