Bảo vệ an ninh quốc gia là gì? 05 nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
30/12/2022 08:34 AM

Bảo vệ an ninh quốc gia là gì? Và nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia được quy định như thế nào? - Quốc Văn (Long An)

Bảo vệ an ninh quốc gia là gì? 05 nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia

Bảo vệ an ninh quốc gia là gì? 05 nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bảo vệ an ninh quốc gia là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Luật An ninh quốc gia 2004 thì bảo vệ an ninh quốc gia là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

2. 05 nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo Điều 14 Luật An ninh quốc gia 2004 gồm:

- Bảo vệ chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

- Bảo vệ an ninh về tư tưởng và văn hoá, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia.

- Bảo vệ bí mật nhà nước và các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.

- Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại trừ các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia.

3. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia

Theo Điều 17 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

- Tham gia lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

- Tố cáo hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Phát hiện, kiến nghị với chính quyền hoặc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia khắc phục sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia.

- Phát hiện, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia cho chính quyền hoặc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia nơi gần nhất.

- Thực hiện yêu cầu của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

- Giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong bảo vệ an ninh quốc gia

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong bảo vệ an ninh quốc gia theo Điều 18 Luật An ninh quốc gia 2004 như sau:

- Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại mục 1 và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia.

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, huy động sức mạnh của cơ quan, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; đưa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia vào chương trình, kế hoạch và các hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức.

- Giáo dục, động viên mọi thành viên của cơ quan, tổ chức mình và nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia.

- Phát hiện, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia cho cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia hoặc chính quyền nơi gần nhất.

- Thực hiện yêu cầu của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

5. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong bảo vệ an ninh quốc gia

Theo Điều 19 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, động viên nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia của tổ chức, cá nhân.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 49,138

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn