Tổng hợp các chức vụ của Công an nhân dân Việt Nam mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
21/12/2022 14:04 PM

Xin cho tôi hỏi lực lượng Công an nhân dân Việt Nam có những chức vụ nào? Cấp bậc hàm cao nhất của từng chức vụ được quy định ra sao? - Minh Thư (Tây Ninh)

Tổng hợp các chức vụ của Công an nhân dân Việt Nam mới nhất

Tổng hợp các chức vụ của Công an nhân dân Việt Nam mới nhất

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công an nhân dân Việt Nam là lực lượng nào?

Theo Điều 3 Luật Công an nhân dân 2018, công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Tổng hợp các chức vụ của Công an nhân dân Việt Nam

Sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam có những chức vụ cơ bản sau đây:

(i) Bộ trưởng Bộ Công an;

(ii) Cục trưởng, Tư lệnh;

(iii) Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

(iv) Trưởng phòng; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Trung đoàn trưởng;

(v) Đội trưởng; Trưởng Công an xã, phường, thị trấn; Tiểu đoàn trưởng;

(vi) Đại đội trưởng;

(vii) Trung đội trưởng;

(viii) Tiểu đội trưởng.

Trong đó, các chức vụ tương đương với chức vụ quy định tại các điểm (ii), (iii), (iv), (v), (vi), (vii) và (viii) và chức vụ, chức danh còn lại trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

(Khoản 1, 2 Điều 24 Luật Công an nhân dân 2018)

3. Các cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của Công an nhân dân Việt Nam

Cụ thể tại khoản 1 Điều 25 Luật Công an nhân dân 2018, các cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam được quy định như sau:

(1) Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;

(2) Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an. Số lượng không quá 06;

(3) Trung tướng, số lượng không quá 35 bao gồm:

- Cục trưởng, Tư lệnh và tương đương của đơn vị trực thuộc Bộ Công an có một trong các tiêu chí sau đây:

+ Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương;

+ Có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, trực tiếp chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm;

+ Có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng;

- Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương;

- Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân;

- Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh;

- Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương;

(4) Thiếu tướng, số lượng không quá 157 bao gồm:

- Cục trưởng của đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương, trừ trường hợp quy định tại (3);

- Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Số lượng không quá 11;

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Số lượng không quá 03;

- Phó Cục trưởng, Phó Tư lệnh và tương đương của đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại (3).

Số lượng: 17 đơn vị mỗi đơn vị không quá 04, các đơn vị còn lại mỗi đơn vị không quá 03;

- Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng mỗi đơn vị không quá 03;

- Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương;

(5) Đại tá: Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ trường hợp quy định tại (3)(4); Giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ; Hiệu trưởng các trường trung cấp Công an nhân dân;

(6) Thượng tá: Trưởng phòng và tương đương; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Trung đoàn trưởng;

(7) Trung tá: Đội trưởng và tương đương; Trưởng Công an xã, phường, thị trấn; Tiểu đoàn trưởng;

(8) Thiếu tá: Đại đội trưởng;

(9) Đại úy: Trung đội trưởng;

(10) Thượng úy: Tiểu đội trưởng.

Đối với sĩ quan Công an nhân dân biệt phái có chức vụ cao hơn quy định tại (3) và trường hợp đặc biệt được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.

4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân Việt Nam

Theo Điều 4 Luật Công an nhân dân 2018, việc tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân Việt Nam được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau đây:

- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.

- Được tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở.

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Xem thêm: Bảng lương Công an nhân dân mới nhất 2023

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 48,561

Bài viết về

Công an nhân dân

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn