Tổ dân phố là gì? Quy định về tổ chức và hoạt động của tổ dân phố

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
26/11/2022 09:01 AM

Cho tôi hỏi hiện nay, quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của tổ dân phố như thế nào? - Thanh Ngân (Bình Dương)

Tổ dân phố là gì? Quy định về tổ chức và hoạt động của tổ dân phố

Tổ dân phố là gì? Quy định về tổ chức và hoạt động của tổ dân phố

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tổ dân phố là gì?

Theo khoản 2, 3 Điều 2 Thông tư 04/2012/TT-BNV (sửa đổi bởi Thông tư 14/2018/TT-BNV) thì:

- Tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu, ... (gọi chung là tổ dân phố); tổ dân phố được tổ chức ở phường, thị trấn; dưới phường, thị trấn là tổ dân phố.

- Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).

Là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

2. Tổ chức của tổ dân phố

Điều 4 Thông tư 04/2012/TT-BNV (sửa đổi bởi Thông tư 14/2018/TT-BNV) quy định về tổ chức của tổ dân phố như sau:

- Mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng tổ dân phố. Trường hợp cần thiết thì có 01 Phó Tổ trưởng tổ dân phố.

- Phó Tổ trưởng tổ dân phố do Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn sau khi thống nhất với Trưởng Ban công tác mặt trận tổ dân phố.

Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận Phó Tổ trưởng tổ dân phố.

3. Nội dung hoạt động của tổ dân phố

Căn cứ Điều 5 Thông tư 04/2012/TT-BNV (sửa đổi bởi Thông tư 14/2018/TT-BNV), nội dung hoạt động của tổ dân phố được quy định như sau:

- Cộng đồng dân cư ở tổ dân phố bàn, quyết định chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc tự quản trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

- Cộng đồng dân cư tham gia bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định về các công việc của tổ dân phố và của cấp xã theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007.

- Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; tham gia tự quản trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương, phòng, chống các tệ nạn xã hội.

- Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia, hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổ trưởng tổ dân phố.

4. Điều kiện thành lập tổ dân phố mới

Điều 7 Thông tư 04/2012/TT-BNV (sửa đổi bởi Thông tư 14/2018/TT-BNV) quy định về điều kiện thành lập tổ dân phố mới như sau:

* Trong trường hợp do khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền cấp xã, tổ chức hoạt động của tổ dân phố yêu cầu phải thành lập tổ dân phố mới

Việc thành lập tổ dân phố mới phải đạt các điều kiện sau:

- Quy mô số hộ gia đình đối với tổ dân phố ở phường, thị trấn:

+ Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có từ 200 hộ gia đình trở lên;

+ Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có từ 350 hộ gia đình trở lên. Riêng thành phố Hà Nội có từ 450 hộ gia đình trở lên;

+ Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh miền Trung có từ 300 hộ gia đình trở lên;

+ Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh miền Nam có từ 400 hộ gia đình trở lên.

Riêng thành phố Hồ Chí Minh có từ 450 hộ gia đình trở lên;

+ Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh Tây Nguyên có từ 250 hộ gia đình trở lên;

+ Tổ dân phố ở phường, thị trấn biên giới, phường, thị trấn đảo; tổ dân phố ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có từ 150 hộ gia đình trở lên.

- Các điều kiện khác:

Cần có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân.

* Đối với các trường hợp đặc thù

- Tổ dân phố nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân thì tổ dân phố có từ 100 hộ gia đình trở lên.

- Trường hợp ở khu vực biên giới, hải đảo cách xa đất liền, do việc di dân hoặc để bảo vệ đường biên giới, chủ quyền biển đảo thì việc thành lập tổ dân phố không áp dụng quy định về quy mô số hộ gia đình đối với trường hợp do khó khăn trong công tác quản lý nêu trên.

- Tổ dân phố đã hình thành từ lâu do xâm canh, xâm cư cần thiết phải chuyển giao quản lý giữa các đơn vị hành chính cấp xã để thuận tiện trong hoạt động và sinh hoạt của cộng đồng dân cư mà không làm thay đổi đường địa giới hành chính cấp xã thì thực hiện giải thể và thành lập mới tổ dân phố theo quy định. 

Trường hợp không đạt quy mô về số hộ gia đình thì thực hiện ghép cụm dân cư theo quy định tại Điều 9 Thông tư 04/2012/TT-BNV (sửa đổi bởi Thông tư 14/2018/TT-BNV).

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 52,418

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn