Giỗ Tổ Hùng Vương 2025: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ mấy ngày? (Hình từ internet)
Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 10 tháng 03 Âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Dưới đây là lịch tháng 3 Âm lịch năm Ất Tỵ 2025:
Như vậy, Giỗ Tổ Hùng Vương 2025 sẽ rơi vào thứ Hai, nhằm ngày 07/4/2025 Dương lịch.
Cụ thể tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ lễ, tết như sau:
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Do năm 2025, Giỗ Tổ Hùng Vương rơi vào thứ Hai (ngày 07/4/2025), cho nên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ 3 ngày liên tục, từ thứ Bảy (05/4/2025) đến hết thứ Hai (07/4/2025).
Đối với người lao động đi làm thứ Bảy thì sẽ được nghỉ 2 ngày liên tục, từ Chủ nhật (06/4/2025) đến hết thứ Hai (07/4/2025).
Lưu ý: Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với thứ Hai thì người lao động sẽ được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Căn cứ khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Lưu ý: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
- Người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
- Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
- Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết.
Tuy nhiên, quy định trên chỉ là tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động, người sử dụng lao động có thể trả mức lương cao hơn cho người lao động.
Về tiền thưởng, theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thưởng như sau:
- Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
- Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Do đó, việc thưởng hay không sẽ do người sử dụng lao động quyết định, nếu trong quy chế thưởng có quyết định về việc thưởng cho nhân viên vào dịp lễ này thì người lao động vẫn sẽ được thưởng.