Chăm sóc điều dưỡng là gì? Nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc điều dưỡng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/11/2022 08:38 AM

Chăm sóc điều dưỡng là gì? Và nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc điều dưỡng được quy định thế nào? - Thanh Đan (Tiền Giang)

Chăm sóc điều dưỡng là gì? Nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc điều dưỡng

Chăm sóc điều dưỡng là gì? Nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc điều dưỡng

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chăm sóc điều dưỡng là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 31/2021/TT-BYT thì chăm sóc điều dưỡng là việc nhận định, can thiệp chăm sóc, theo dõi nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mỗi người bệnh về:

- Hô hấp;

- Tuần hoàn;

- Dinh dưỡng;

- Bài tiết;

- Vận động và tư thế;

- Ngủ và nghỉ ngơi;

- Mặc và thay đồ vải;

- Thân nhiệt;

- Vệ sinh cá nhân;

- Môi trường an toàn;

- Giao tiếp;

- Tín ngưỡng;

- Hoạt động, giải trí;

- Kiến thức bảo vệ sức khỏe.

2. Nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc điều dưỡng

Nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc điều dưỡng theo Chương II Thông tư 31/2021/TT-BYT như sau:

2.1. Tiếp nhận và nhận định người bệnh

- Tiếp nhận, phân loại, sàng lọc và cấp cứu ban đầu:

+ Tiếp nhận, phối hợp với bác sĩ trong phân loại, sàng lọc và cấp cứu người bệnh ban đầu; sắp xếp người bệnh khám bệnh theo thứ tự ưu tiên của tình trạng bệnh lý, của đối tượng (người cao tuổi, thương binh, phụ nữ có thai, trẻ em và các đối tượng chính sách khác) và theo thứ tự đến khám; 

Hướng dẫn hoặc hỗ trợ người bệnh thực hiện khám bệnh và các kỹ thuật cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ cho người bệnh đến khám bệnh;

+ Tiếp nhận, hỗ trợ các thủ tục và sắp xếp người bệnh vào điều trị nội trú.

- Nhận định lâm sàng:

+ Khám, nhận định tình trạng sức khỏe hiện tại và nhu cầu cơ bản của mỗi người bệnh;

+ Xác định các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh;

+ Xác định chẩn đoán điều dưỡng, ưu tiên các chẩn đoán điều dưỡng tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh;

+ Phân cấp chăm sóc người bệnh trên cơ sở nhận định tình trạng sức khỏe người bệnh của điều dưỡng và đánh giá về mức độ nguy kịch, tiên lượng bệnh của bác sĩ để phối hợp với bác sĩ phân cấp chăm sóc người bệnh;

+ Dự báo các yếu tố ảnh hưởng và sự cố y khoa có thể xảy ra trong quá trình chăm sóc người bệnh.

2.2. Xác định và thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng

* Các can thiệp chăm sóc điều dưỡng bao gồm:

- Chăm sóc hô hấp, tuần hoàn, thân nhiệt: theo dõi, can thiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về hô hấp, tuần hoàn, thân nhiệt theo chẩn đoán điều dưỡng và chỉ định của bác sĩ; kịp thời báo bác sĩ và phối hợp xử trí tình trạng hô hấp, tuần hoàn, thân nhiệt bất thường của người bệnh;

- Chăm sóc dinh dưỡng: thực hiện hoặc hỗ trợ người bệnh thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ; theo dõi dung nạp, hài lòng về chế độ dinh dưỡng của người bệnh để báo cáo bác sĩ và người làm dinh dưỡng kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng;

Thực hiện trách nhiệm của điều dưỡng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Thông tư 18/2020/TT-BYT:

+ Trách nhiệm của điều dưỡng trưởng các khoa lâm sàng:

++ Tổ chức thực hiện tổng hợp chế độ dinh dưỡng hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ điều trị và chuyển dữ liệu cho khoa Dinh dưỡng hoặc bộ phận dinh dưỡng chuẩn bị chế độ dinh dưỡng cho người bệnh của khoa.

++ Tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ và giám sát người bệnh thực hiện chế độ dinh dưỡng tại khoa.

++ Tổ chức thực hiện tư vấn, truyền thông dinh dưỡng cho người bệnh tại khoa.

+ Trách nhiệm của điều dưỡng viên:

++ Thực hiện sàng lọc yếu tố nguy cơ dinh dưỡng của người bệnh.

++ Thực hiện hỗ trợ, theo dõi, tư vấn, giám sát việc thực hiện chế độ dinh dưỡng của người bệnh và ghi hồ sơ theo quy định.

- Chăm sóc giấc ngủ và nghỉ ngơi: thiết lập môi trường bệnh phòng yên tĩnh, ánh sáng phù hợp vào khung giờ ngủ, nghỉ của người bệnh theo quy định;

Hướng dẫn người bệnh thực hiện các biện pháp để tăng cường chất lượng giấc ngủ như thư giãn, tập thể chất nhẹ nhàng phù hợp tình trạng sức khỏe, tránh các chất kích thích, tránh căng thẳng, ngủ đúng giờ; theo dõi, thông báo kịp thời cho bác sĩ khi có những rối loạn giấc ngủ của người bệnh để hỗ trợ và phối hợp hỗ trợ người bệnh kịp thời;

- Chăm sóc vệ sinh cá nhân: thực hiện hoặc hỗ trợ người bệnh thực hiện vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể, kiểm soát chất tiết, mặc và thay đồ vải cho người bệnh theo phân cấp chăm sóc;

- Chăm sóc tinh thần: thiết lập môi trường an toàn, thân thiện, gần gũi, chia sẻ, động viên người bệnh yên tâm phối hợp với các chức danh chuyên môn trong chăm sóc; 

Theo dõi, phát hiện các nguy cơ không an toàn, các biểu hiện tâm lý tiêu cực, phòng ngừa các hành vi có thể gây tổn hại sức khỏe cho người bệnh để kịp thời thông báo cho bác sĩ; tôn trọng niềm tin, tín ngưỡng và tạo điều kiện để người bệnh thực hiện tín ngưỡng trong điều kiện cho phép và phù hợp với quy định;

- Thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật: thực hiện thuốc và các can thiệp chăm sóc điều dưỡng theo chỉ định của bác sĩ và trong phạm vi chuyên môn của điều dưỡng trên nguyên tắc tuân thủ đúng các quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật chăm sóc điều dưỡng;

- Phục hồi chức năng cho người bệnh: phối hợp với bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và các chức danh chuyên môn khác để lượng giá, chỉ định, hướng dẫn, thực hiện kỹ thuật phục hồi chức năng cho người bệnh phù hợp với tình trạng bệnh lý. 

Thực hiện một số kỹ thuật phục hồi chức năng theo quy định để giúp người bệnh phát triển, đạt được, duy trì tối đa hoạt động chức năng và giảm khuyết tật;

- Quản lý người bệnh: lập hồ sơ quản lý bằng bản giấy hoặc bản điện tử và cập nhật hằng ngày cho tất cả người bệnh nội trú, ngoại trú tại bệnh viện; thực hiện bàn giao đầy đủ số lượng, các vấn đề cần theo dõi và chăm sóc người bệnh, đặc biệt giữa các ca trực;

- Truyền thông, giáo dục sức khỏe: phối hợp với bác sĩ và các chức danh chuyên môn khác tư vấn, hướng dẫn các kiến thức về bệnh, cách tự chăm sóc, theo dõi, hợp tác với nhân viên y tế trong chăm sóc, phòng bệnh; 

Các quy định về an toàn người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng, phục hồi chức năng; hướng dẫn hoặc hỗ trợ người bệnh thực hiện đầy đủ các quy định, nội quy trong điều trị nội trú, chuyển khoa, chuyển viện và ra viện.

* Xác định các can thiệp điều dưỡng:

- Trên cơ sở các can thiệp chăm sóc, chẩn đoán điều dưỡng, phân cấp chăm sóc, nguồn lực sẵn có, điều dưỡng xác định can thiệp chăm sóc đối với mỗi người bệnh;

- Xác định mục tiêu và kết quả can thiệp chăm sóc điều dưỡng mong muốn.

* Thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng:

- Thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng phù hợp cho mỗi người bệnh.

- Phối hợp với các chức danh chuyên môn khác theo mô hình chăm sóc được phân công gồm: mô hình điều dưỡng chăm sóc chính; mô hình chăm sóc theo đội; mô hình chăm sóc theo nhóm hoặc mô hình chăm sóc theo công việc trong triển khai thực hiện các can thiệp chăm sóc;

- Đáp ứng kịp thời với các tình huống khẩn cấp hoặc thay đổi tình trạng người bệnh. Dự phòng và báo cáo các sự cố ảnh hưởng đến chất lượng can thiệp chăm sóc điều dưỡng;

- Tư vấn cho người bệnh về cách cải thiện hành vi sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, kiến thức để tự chăm sóc bản thân và cùng hợp tác trong trong quá trình can thiệp chăm sóc điều dưỡng.

- Ghi lại toàn bộ các can thiệp chăm sóc điều dưỡng cho người bệnh vào phiếu chăm sóc bản cứng hoặc bản điện tử theo quy định. Bảo đảm ghi thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, rõ ràng, dễ đọc; sử dụng, bảo quản và lưu trữ phiếu chăm sóc theo quy định.

2.3. Đánh giá kết quả thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng

- Đánh giá các đáp ứng của người bệnh và hiệu quả của các can thiệp chăm sóc điều dưỡng theo mục tiêu, kết quả chăm sóc theo nguyên tắc liên tục, chính xác và toàn diện về tình trạng đáp ứng của mỗi người bệnh.

- Điều chỉnh kịp thời các can thiệp chăm sóc điều dưỡng dựa trên kết quả đánh giá và nhận định lại tình trạng người bệnh trong phạm vi chuyên môn của điều dưỡng.

- Trao đổi với các thành viên liên quan về các vấn đề ưu tiên, mục tiêu chăm sóc mong đợi và điều chỉnh các can thiệp chăm sóc điều dưỡng theo khả năng đáp ứng của người bệnh.

- Tham gia vào quá trình cải thiện nâng cao chất lượng can thiệp chăm sóc điều dưỡng dựa trên kết quả đánh giá.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,794

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn