Tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
08/10/2022 07:57 AM

Tôi muốn biết cơ quan đại diện ngoại giao là gì? Để trở thành thành viên cơ quan đại diện ngoại thì cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào? - Anh Thư (Quảng Nam)

Tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao

Tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cơ quan đại diện ngoại giao là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017), cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ quán.

Cụ thể, cơ quan đại diện ngoại giao là cơ quan đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận, có thể thực hiện chức năng đại diện tại một hay nhiều quốc gia hoặc tổ chức quốc tế và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngoại giao, lãnh sự do quốc gia khác ủy nhiệm.

Ngoài ra, cơ quan đại diện ngoại giao có trách nhiệm thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận và có quyền kiểm tra hoạt động đối ngoại của cơ quan đại diện lãnh sự tại quốc gia tiếp nhận.

(Khoản 2 Điều 12 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017))

2. Các chức vụ tại cơ quan đại diện ngoại giao

Các chức vụ tại cơ quan đại diện ngoại giao được quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017), bao gồm:

- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền;

- Đại sứ;

- Công sứ;

- Tham tán Công sứ;

- Tham tán;

- Bí thư thứ nhất;

- Bí thư thứ hai; 

- Bí thư thứ ba;

- Tùy viên.

3. Tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện ngoại giao

Cụ thể tại khoản 1 Điều 17 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017), thành viên cơ quan đại diện đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp là nhân viên hợp đồng quy định tại Điều 29 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017);

- Có đủ tiêu chuẩn, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu công tác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên cơ sở đề án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, đối với người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017) và các tiêu chuẩn sau đây:

- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc;

- Có trình độ đại học trở lên; có trình độ lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; đã được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại;

- Sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác;

- Nắm vững và có năng lực tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước;

- Có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo; có năng lực tổ chức, điều hành, tập hợp, đoàn kết nội bộ và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;

- Có kinh nghiệm quản lý, công tác trong lĩnh vực đối ngoại; đã có thời gian giữ chức vụ phó vụ trưởng hoặc tương đương trở lên;

- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt, căn cứ yêu cầu đối ngoại, địa bàn công tác, năng lực, uy tín cá nhân, do Chính phủ quy định.

(Khoản 2 Điều 17 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017))

4. Các chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao

Thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng với thành viên cơ quan đại diện trong thời gian công tác tại cơ quan đại diện được hưởng các chế độ được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017), cụ thể như sau:

- Chế độ lương, phụ cấp, trợ cấp; chế độ nhà ở; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ nghỉ hàng năm theo quy định của pháp luật;

- Trợ cấp trong trường hợp bị thương hoặc chết;

- Trợ cấp và chế độ ưu đãi trong trường hợp công tác tại khu vực đang xảy ra xung đột vũ trang, thảm họa do thiên tai, dịch bệnh, hoặc trong điều kiện công tác đặc biệt khó khăn.

- Bảo đảm chi phí đi lại trong trường hợp cha, mẹ hoặc cha, mẹ của vợ (chồng) hoặc vợ, chồng, con của thành viên cơ quan đại diện chết.

Đối với trường hợp là nữ thành viên cơ quan đại diện ngoại giao hoặc vợ của thành viên cơ quan đại diện được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng với thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, khi sinh con được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.

Thời gian nghỉ sinh con của nữ thành viên cơ quan đại diện được tính vào nhiệm kỳ công tác.

Ngoài ra, con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện ngoại giao được hỗ trợ một phần học phí tại quốc gia tiếp nhận và chi phí mua bảo hiểm khám bệnh, chữa bệnh.

(Khoản 2, 3 Điều 26 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017))

5. Trách nhiệm của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao

Các thành viên trong cơ quan đại diện ngoại giao phải có trách nhiệm sau đây:

- Tuân thủ pháp luật Việt Nam, thực hiện các quy định của Bộ Ngoại giao và của cơ quan đại diện; bảo vệ và đề cao hình ảnh, uy tín, danh dự và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Tôn trọng pháp luật và phong tục tập quán của quốc gia tiếp nhận; tích cực góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Chấp hành sự chỉ đạo và điều hành của người đứng đầu cơ quan đại diện; báo cáo và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan đại diện về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Bảo vệ bí mật nhà nước.

- Không được lạm dụng quyền ưu đãi, miễn trừ vì lợi ích cá nhân, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan đại diện. Trong thời gian công tác tại cơ quan đại diện, không được tiến hành hoạt động nghề nghiệp nhằm mục đích thu lợi riêng.

(Điều 24 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017))

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,670

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn