Tải app trên IOS

Rừng sản xuất là gì? Đối tượng được giao và cho thuê rừng sản xuất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
14/09/2022 16:05 PM

Rừng sản xuất là gì? Đối tượng nào được Nhà nước giao và cho thuê rừng sản xuất? - Huyền Trân (Gia Lai)

Rừng sản xuất là gì? Đối tượng được giao và cho thuê rừng sản xuất

Rừng sản xuất là gì? Đối tượng được giao và cho thuê rừng sản xuất

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Rừng sản xuất là gì?

Theo khoản 4 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, rừng sản xuất là loại rừng được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

2. Đối tượng được Nhà nước giao và cho thuê rừng sản xuất 

* Giao rừng sản xuất không thu phí sử dụng rừng

Cụ thể tại khoản 3 Điều 16 Luật Lâm nghiệp 2017, Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau đây:

- Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có diện tích rừng;

- Đơn vị vũ trang;

- Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao cho ban quản lý rừng đó.

* Cho thuê rừng sản xuất

Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng trả tiền thuê rừng một lần hoặc hằng năm để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. 

(Điều 17 Luật Lâm nghiệp 2017)

3. Quy định về việc sử dụng rừng sản xuất

3.1. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên

Theo khoản 1 Điều 58 Luật Lâm nghiệp 2017, điều kiện khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:

- Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.

Trong đó, Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên thực hiện theo quy định Luật Lâm nghiệp 2017 và Quy chế quản lý rừng.

3.2. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng

Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng được thực hiện theo quy định tại Điều 59 Luật Lâm nghiệp 2017, cụ thể như sau:

- Chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình.

- Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định.

- Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thực hiện theo quy định Luật Lâm nghiệp 2017 và Quy chế quản lý rừng.

3.3. Các hoạt động khác trong rừng sản xuất

Đối với các hoạt động khai thác khác như sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất, thì cá nhân, tổ chức được phép thực hiện như sau:

- Được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, không làm suy giảm chất lượng rừng.

- Được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, không làm thoái hóa, ô nhiễm đất; không chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

- Được kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập.

- Được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

- Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

(Điều 60 Luật Lâm nghiệp 2017)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 33,115

Bài viết về

lĩnh vực khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]