Cho thuê, mượn Chứng chỉ kiểm toán viên bị xử phạt thế nào?
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định nghiêm cấm thực hiện các hành vi về kiểm toán như sau:
- Nghiêm cấm thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện các hành vi sau đây:
+ Mua, nhận biếu tặng, nắm giữ cổ phiếu hoặc phần vốn góp của đơn vị được kiểm toán không phân biệt số lượng;
+ Mua, bán trái phiếu hoặc tài sản khác của đơn vị được kiểm toán có ảnh hưởng đến tính độc lập theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
+ Nhận hoặc đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ đơn vị được kiểm toán ngoài khoản phí dịch vụ và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết;
+ Sách nhiễu, lừa dối khách hàng, đơn vị được kiểm toán;
+ Tiết lộ thông tin về hồ sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán, trừ trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán chấp thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
+ Thông tin, giới thiệu sai sự thật về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;
+ Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, thông đồng với khách hàng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác;
+ Thực hiện việc thu nợ cho đơn vị được kiểm toán;
+ Thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính, hồ sơ kiểm toán và báo cáo sai lệch kết quả kiểm toán;
+ Giả mạo, khai man hồ sơ kiểm toán;
+ Thuê, mượn chứng chỉ kiểm toán viên và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán để thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
+ Cung cấp dịch vụ kiểm toán khi không đủ điều kiện theo quy định;
+ Hành vi khác theo quy định của pháp luật;
- Ngoài các hành vi trên, nghiêm cấm kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề thực hiện các hành vi sau đây:
+ Hành nghề kiểm toán với tư cách cá nhân;
+ Giả mạo, cho thuê, cho mượn hoặc cho sử dụng tên và chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán để thực hiện hoạt động kiểm toán;
+ Làm việc cho hai doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam trở lên trong cùng một thời gian;
+ Hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Từ các quy định trên thì hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên bị pháp luật nghiêm cấm.
Theo Điều 38 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Chứng chỉ kiểm toán viên như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân cho tổ chức, cá nhân khác ngoài đơn vị mình đang làm việc thuê, mượn, sử dụng Chứng chỉ kiểm toán viên của mình để đăng ký hành nghề kiểm toán
Hoặc đăng ký hành nghề kiểm toán tại đơn vị nơi mình thực tế không làm việc theo hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp thực hiện hành vi thuê, mượn, sử dụng Chứng chỉ kiểm toán viên của người không làm việc hoặc làm việc theo hợp đồng lao động không đảm bảo là làm toàn bộ thời gian tại đơn vị mình để đăng ký hành nghề kiểm toán.
- Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, hành vi cho thuê, mượn Chứng chỉ kiểm toán sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 10 triệu đồng đối với cá nhân và xử phạt lên đến 20 triệu đồng đối với doanh nghiệp thực hiện hành vi thuê, mượn.
>>> Xem thêm: Kiểm toán viên hành nghề kiểm toán phải đáp ứng điều kiện nào? Công chức Nhà nước có được hành nghề kiểm toán hay không?
Đổi mới phương thức học, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên đến năm 2030?
Quốc Đạt